Giới chuyên gia thận trọng về những tiến triển trên Bán đảo Triều Tiên

Giới chuyên gia đang thận trọng về những tiến triển trong tình hình Bán đảo Triều Tiên, được cho là đang xoay chuyển chóng mặt từ đối đầu căng thẳng sang hòa giải hướng tới đàm phán.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un (phải) và đặc phái viên của Tổng thống Hàn Quốc, ông Chung Eui-yong (trái) trong cuộc gặp tại Bình Nhưỡng ngày 5/3. (Nguồn: YONHAP/TTXVN)

Theo AP, Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như đã có cái mà ông muốn từ phía Triều Tiên, đó là sự sẵn sàng ngừng hoạt động thử hạt nhân và lời cam kết đưa toàn bộ kho vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng lên bàn đàm phán. Nhưng liệu điều này có phải quá tốt để trở thành hiện thực? Giới chuyên gia đang thận trọng về những tiến triển trong tình hình Bán đảo Triều Tiên.

Sau một năm đe dọa và chế giễu nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên Kim Jong Un, Tổng thống Trump hiện đang hoan nghênh tiến trình ngoại giao giữa hai miền thù địch trên Bán đảo Triều Tiên. Thậm chí, ông Trump còn cho rằng Triều Tiên, dưới sức ép trừng phạt rất lớn, đang chân thành muốn chấm dứt sự tranh cãi hạt nhân của Bình Nhưỡng. Chuyên gia hạt nhân Mark Fitzpatrick thuộc Viện Chiến lược Nghiên cứu Quốc tế (IISS) nhận định, những diễn biến trên Bán đảo Triều Tiên có khả năng tiến triển với tốc độ chóng mặt và "hiện nay chúng ta rõ ràng đang trong giai đoạn như vậy." 

[Mega Story] Động thái hâm nóng quan hệ giữa hai miền Triều Tiên

Kết quả ban đầu về cuộc gặp giữa phái đoàn đặc phái viên Hàn Quốc với nhà lãnh đạo Kim Jong Un rõ ràng đã vượt quá mọi sự mong đợi. Giám đốc an ninh quốc gia Hàn Quốc Chung Eui-yong cho hay, Bình Nhưỡng sẵn sàng thảo luận về giải trừ vũ khí hạt nhân và ngừng các vụ thử vũ khí nếu hai miền bước vào đàm phán. Đó chính xác là những kiểu nhượng bộ mà Washington đang tìm kiếm để bắt đầu một tiến trình ngoại giao với Triều Tiên. Theo ông Chung, để đổi lấy những cam kết của họ, Bình Nhưỡng muốn chấm dứt các mối đe dọa quân sự và một sự đảm bảo an ninh đáng tin cậy.

Phát biểu trong phiên điều trần tại Thượng viện Mỹ, Giám đốc Tình báo Quốc gia Dan Coats cũng cho rằng "có thể đây là một bước ngoặt." Tuy nhiên, một quan chức cấp cao trong chính quyền của Tổng thống Trump lại nhắc tới lịch sử 27 năm của Triều Tiên phá vỡ mọi thỏa thuận mà Bình Nhưỡng từng cam kết. Quan chức này cho biết Mỹ "có cái nhìn cởi mở và chúng tôi muốn nghe nhiều hơn nhưng Triều Tiên lại vẫn giữ thái độ hoài nghi của họ."

Còn Hạ nghị sỹ Adam Schiff thuộc Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ đã hối thúc Tổng thống Trump dùng quân bài ngoại giao để thử sự nghiêm túc của nhà lãnh đạo Kim về giải trừ vũ khí hạt nhân, hoặc để xem liệu ông này có phải chỉ đang tìm cách gây chia rẽ giữa Mỹ và đồng minh Hàn Quốc hay không./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục