Giới phân tích: Fed sẽ tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm

Chủ tịch Fed khu vực Atlanta cho biết ngân hàng có thể quyết định một đợt tăng lãi suất nữa trước khi tạm dừng để đánh giá đầy đủ tác động của thắt chặt chính sách tiền tệ với nền kinh tế.
Đồng USD. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 2/5, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu cuộc họp dự kiến kéo dài trong hai ngày về khả năng tiếp tục tăng lãi suất cơ bản.

Từ tháng 3 năm ngoái, Fed đã thực hiện một chiến dịch tăng lãi suất mạnh mẽ, nhanh chóng tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát đang cao hơn mức mục tiêu dài hạn là 2%.

Giới phân tích cho rằng Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của Fed - sẽ tiếp tục tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm sau cuộc họp này và đây sẽ là lần tăng lãi suất thứ 10 của ngân hàng trung ương Mỹ.

Trước đó, Chủ tịch Fed khu vực Atlanta Raphael Bostic cho biết ngân hàng có thể quyết định một đợt tăng lãi suất nữa trước khi tạm dừng để đánh giá đầy đủ các tác động của việc thắt chặt chính sách tiền tệ đối với nền kinh tế.

Cuộc họp của FOMC trong các ngày 2-3/5 diễn ra ngay sau khi nền kinh tế Mỹ chứng kiến một trong những vụ đổ vỡ ngân hàng lớn nhất trong lịch sử.

Ngày 1/5 vừa qua, ngân hàng First Republic (FRB) đã tuyên bố phá sản và JPMorgan - ngân hàng lớn nhất Mỹ, sẽ mua lại toàn bộ các khoản tiền gửi, gần như tất cả tài sản của FRB.

FOMC luôn khẳng định việc tăng lãi suất liên tục trong phạm vi mục tiêu là phù hợp để kiềm chế lạm phát. Cơ quan này dự báo rằng lãi suất ngắn hạn chủ chốt sẽ tăng lên mức từ 5-5,25% vào cuối năm 2023.

Giới chuyên gia nhận định điều đó cho thấy Fed đã sẵn sàng tăng lãi suất cơ bản và duy trì mức lãi suất đó tới cuối năm nay.

[Fed ấn định thời điểm công bố báo cáo về việc giám sát ngân hàng SVB]

Trong báo cáo được công bố ngày 28/4, Fed đã kêu gọi tăng cường việc giám sát hệ thống ngân hàng, đồng thời thừa nhận những thất bại của mình liên quan tới cuộc khủng hoảng gần đây trong lĩnh vực này.

Báo cáo trên là một trong hai báo cáo được giới chức liên bang Mỹ công bố, trong đó nêu bật các vấn đề gần đây liên quan tới công tác giám sát của Mỹ đối với lĩnh vực ngân hàng.

Sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) vào ngày 10/3 sau khi chịu quá nhiều rủi ro lãi suất đã gây ra làn sóng chấn động khắp lĩnh vực ngân hàng, dẫn đến sự sụp đổ của Ngân hàng Signature (SB) có trụ sở tại New York (Mỹ) và vụ sáp nhập giữa ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sĩ Credit Suisse với đối thủ UBS.

Trong tuyên bố kèm theo báo cáo trên, Phó Chủ tịch phụ trách giám sát của Fed Michael Barr nêu rõ: "Sau sự sụp đổ của SVB, chúng ta phải tăng cường giám sát và siết chặt quy định của Fed dựa trên những bài học đã rút ra."

Ông cho biết ban quản lý của SVB đã không có biện pháp quản lý rủi ro một cách phù hợp trước khi ngân hàng sụp đổ nhanh chóng, trong khi các giám sát viên của Fed cũng đã "không hành động đủ mạnh mẽ" sau khi xác định các vấn đề tại SVB.

Theo báo cáo, Fed đã "không đánh giá đúng mức độ nghiêm trọng của những thiếu sót lớn trong vấn đề quản trị, thanh khoản và quản lý rủi ro lãi suất của SVB," do tài sản của ngân hàng này đã tăng gấp đôi quy mô trong giai đoạn 2019-2021, thời điểm bùng nổ công nghệ cao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục