Giới phân tích hoài nghi về khả năng G7 sớm thu hẹp được bất đồng

Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) được đánh giá là thành công, nhưng những bất đồng giữa Mỹ và các nước thành viên còn lại khiến giới phân tích hoài nghi.
G7 và "bài toán" cân bằng lợi ích. (Nguồn: AFP/TTXVN)


Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) diễn ra tại Quebec (Canada) được nước chủ nhà đánh giá là thành công xét trên những nội dung đa dạng mà hội nghị đề cập tới, cũng như bản tuyên bố chung với "những cam kết mạnh mẽ về các hành động cần thực hiện” như chủ nghĩa bảo hộ thương mại, thỏa thuận hạt nhân Iran, biến đổi khí hậu, quan hệ giữa phương Tây với Nga...

Tuy nhiên, những bất đồng giữa Mỹ và các nước thành viên còn lại xung quanh vấn đề thương mại, nhất là việc Mỹ áp thuế thép và nhôm đối với các đồng minh, khiến giới phân tích hoài nghi về khả năng nhóm này có thể sớm thu hẹp được bất đồng để dung hòa lợi ích.

Ở một phương diện nào đó, nhận định của Canada về thành công của hội nghị là có cơ sở bởi trước khi diễn ra sự kiện, nhiều ý kiến còn lo ngại hội nghị sẽ không đưa ra được một bản tuyên bố chung.

Những quan điểm cứng rắn của Mỹ trong vấn đề hạt nhân Iran hay áp mức thuế mới đối với thép và nhôm nhập khẩu từ các đồng minh là thành viên G7 tiếp tục là chủ đề tranh cãi gay gắt giữa Mỹ và 6 thành viên còn lại ngay trước thềm hội nghị. Điều đó khiến hội nghị từng được dự đoán hết sức căng thẳng với kết quả không mấy lạc quan. Vì thế, có thể coi bản tuyên bố chung dài 8 trang (mặc dù Mỹ không đồng ý thông qua) với những cam kết về chống chủ nghĩa bảo hộ, nỗ lực giảm các hàng rào thuế quan, các hàng rào phi thuế quan và các khoản trợ cấp của chính phủ", hay cam kết đảm bảo Iran "sẽ không bao giờ tìm kiếm, phát triển hoặc sở hữu vũ khí hạt nhân", là nỗ lực của Canada nói riêng và các nước thành viên G7 nói chung nhằm khẳng định vai trò chủ đạo của khối trong những vấn đề quốc tế cấp bách.

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump vào phút chót yêu cầu đại diện Mỹ không ký thông qua tuyên bố chung của hội nghị gây thất vọng cho 6 nước thành viên còn lại. Trên thực tế, những chủ đề tranh cãi chủ chốt giữa Mỹ với các thành viên còn lại tại hội nghị lần này đều là những vấn đề mang tính lợi ích cốt lõi. Việc Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran với lý do đây là "một thỏa thuận tồi” với nước Mỹ, hay tăng thuế nhập khẩu nhôm, thép với lý do bảo đảm "an ninh quốc gia", đều là một phần trong quá trình ông chủ Nhà Trắng thực hiện các cam kết trước bầu cử. Với chủ trương "Nước Mỹ trước tiên", những hành động của Tổng thống Trump hoàn toàn có thể lý giải khi ông cho rằng việc nhập khẩu nhôm, thép từ các nước đồng minh, hay tiếp tục thực hiện thỏa thuận hạt nhân Iran" là "đe dọa lợi ích" của nước Mỹ và người dân Mỹ.

Trong bối cảnh cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ đang tới gần, ưu tiên của Tổng thống Trump rõ ràng sẽ tập trung vào đối nội và những cam kết với cử tri Mỹ trước bầu cử chắc chắn được ông theo đuổi tới cùng. Đó có vẻ là lý do khiến Tổng thống Trump kiên quyết áp thuế nhập khẩu thép và nhôm với các đồng minh chủ chốt, bất chấp sự phản đối của các đối tác cũng như những cảnh báo về khả năng bị đáp trả. Nếu mục tiêu của Canada và các nước G7 còn lại là thuyết phục Tổng thống Mỹ thay đổi quan điểm qua hội nghị thượng đỉnh ở Quebec thì chắc chắc là "nhiệm vụ bất khả thi"".

[Tổng thống Mỹ công kích Thủ tướng Canada về thương mại]

Cũng có thể hiểu việc Tổng thống Mỹ không thông qua tuyên bố chung của hội nghị thượng đỉnh G7 lần này là cách thức để Washington chứng tỏ vai trò trung tâm của Mỹ trong tổ chức gồm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới này. Tổng thống Trump đã phản ứng giận dự khi cho rằng 6 nước còn lại đã tìm cách "qua mặt" Washington với một bản tuyên bố chung phản đối chủ nghĩa bảo hộ hay hàng rào thuế quan, vốn là những điều mà chính quyền Mỹ đang thực thi trong khuôn khổ chính sách "đưa nước Mỹ vĩ đại" trở lại.

Tuy nhiên, ngay trước khi rời Quebec, Tổng thống Trump nhấn mạnh G7 đã có các cuộc thảo luận rất hữu ích về vấn đề thương mại, thậm chí ông còn để ngỏ khả năng "chấm dứt mọi rào cản thương mại và thuế quan". Trong khi chỉ trích các đồng minh về vấn đề thương mại, ông đề cao vấn đề "cân xứng", được hiểu là một cán cân thương mại cân bằng mà lợi ích mà mỗi bên được thụ hưởng phải mang tính "có đi, có lại", tức là giảm thiểu thâm hụt thương mại của nền kinh tế đầu tàu thế giới, hiện lên tới 800 tỷ USD. Rõ ràng, với yêu cầu về sự bình đẳng trong tiếp cận thị trường và chấm dứt những thực tiễn bất bình đẳng trong quan hệ thương mại, Mỹ đang chứng tỏ rằng bất đồng thương mại với các đồng minh có thể được giải quyết bằng biện pháp thỏa hiệp.

Tuy nhiên, hội nghị thượng đỉnh G7 lần này không thể đạt được đột phá bởi bất đồng giữa các bên là quá lớn, nhất là khi việc Mỹ áp thuế nhôm và thép ảnh hưởng nặng nề tới tất cả các nước còn lại trong G7. Việc Canada và Liên minh châu Âu (EU) sau hội nghị đưa ra những tuyên bố sẽ đáp trả tương xứng quyết định áp thuế của Mỹ cho thấy đây sẽ vẫn là vấn đề rất khó giải quyết.

Khi lợi ích của tất cả các nước G7 đều bị tác động, khả năng đạt được thỏa hiệp hay nhượng bộ trong vấn đề này là khá xa vời. Mặc dù vậy, những thông điệp phát đi sau hội nghị cũng cho thấy cả Mỹ và 6 nước còn lại vẫn cố tránh không để vấn đề vượt khỏi tầm kiểm soát, cũng như sẵn sàng tìm kiếm biện pháp và cách tiếp cận để giải quyết vấn đề theo cách có lợi nhất. Vấn đề là các bên sẽ dùng cách nào để dung hòa lợi ích./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục