Theo CNBC, trong nhiều năm qua, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã trở thành đề tài của nhiều bộ phim hoạt hình châm biếm và những câu chuyện cười. Tuy nhiên chỉ trong vài tháng qua, nhà lãnh đạo thế hệ thứ ba của quốc gia bị cô lập này dường như đã nỗ lực làm mới hình ảnh của mình trên trường quốc tế.
Ông Simon Baptist, Giám đốc khu vực châu Á của Đơn vị thông tin tình báo kinh tế thuộc Economist Group cho rằng: “Ông Kim Jong-un đang cho thấy một bộ mặt dễ tiếp cận hơn của chính quyền Bình Nhưỡng đối với thế giới, và tôi nghĩ ông ấy thực sự khá thông minh, theo cách ông ấy xử lý hình ảnh quốc tế của mình."
Mới đây, ông Kim Jong-un đã tiếp xúc một cách thoải mái với các quan chức Chính phủ Singapore, trong đó có Thủ tướng Lý Hiển Long.
Vào tối 11/6, chỉ vài giờ trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh lịch sử với Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Kim Jong-un đã đi tham quan thành phố Singapore và có những hành động thân thiện với đám đông đang reo hò.
Ông Kim Jong-un thậm chí còn chụp ảnh selfie với các bộ trưởng Singapore tháp tùng ông. Các bức này sau đó đã được đăng tải rộng rãi trên truyền thông xã hội.
Ông Baptist cho rằng: "Ông ấy chắc chắn đã cố gắng thể hiện một khuôn mặt rất khác biệt trên toàn cầu."
[Khoảnh khắc lãnh đạo Mỹ-Triều Tiên ký văn kiện chung]
Các nhà phân tích cũng cho rằng tâm thế thoải mái này của ông Kim Jong-un ở Singapore là sự tiếp nối những hình ảnh tương tự của ông ở những nơi khác trong thời gian gần đây.
Đồng quan điểm trên, khi trả lời phỏng vấn trong chương trình Power Lunch của hãng tin CNBC, ông Sung-Yoon Lee tại trường Tufts Fletcher và ông Alexandra Bell của Trung tâm Kiểm soát và không phổ biến vũ khí hạt nhân nhận định rằng, thông qua cuộc gặp thượng đỉnh với Mỹ, ông Kim Jong-un muốn thể hiện rằng ông là một người đàn ông mới, ông ấy là một chính khách toàn cầu hợp pháp mà Mỹ có thể tham gia đàm phán và thương thuyết về hạt nhân.
Không chỉ tác động tới việc thay đổi hình ảnh ấn tượng, mà quan trọng hơn, ông Kim Jong-un còn có thể "câu giờ" và có được tiền bạc để làm những gì mình thực sự muốn, đó là tiếp tục thúc đẩy chương trình hạt nhân và tên lửa cũng như khả năng đe dọa của mình.
Trong khi đó, ông Kim Haenle, Giám đốc Trung tâm Carnegie-Tsinghua tại Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh cho biết, có lẽ nhà lãnh đạo Triều Tiên đang chuyển sang chiến thuật ngoại giao hiện nay chỉ để giảm bớt các biện pháp trừng phạt và đạt được sự nhượng bộ kinh tế.
Ông Kim Haenle nhấn mạnh: "Tuy nhiên, cá nhân tôi không phát hiện nhiều dấu hiệu về khả năng này và tôi có xu hướng nghĩ rằng ông Kim Jong-un có thể coi sự phát triển chương trình hạt nhân chính là điều đã đưa ông tới bàn đàm phán với Tổng thống Trump"./.