Theo bài viết mới đây trên trang mạng lowyinstitute.org, không có sự phát triển nào làm thay đổi các mối quan hệ quốc tế một cách sâu sắc trong những năm gần đây như sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Hơn 35 năm qua, Trung Quốc đã đưa số lượng người thoát khỏi cảnh bần cùng lớn nhất trong lịch sử, và cũng đóng góp lớn nhất, với 39%, vào tăng trưởng toàn cầu kể từ năm 2008.
Hiện nay, nước này đang dẫn đầu thế giới về sản xuất, xuất khẩu, sử dụng năng lượng và đô thị hóa. Với tầng lớp trung lưu và các nguồn lực quốc gia ngày càng tăng, tầm ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc cũng tăng lên là chuyện đương nhiên.
Ngày nay, Trung Quốc có ảnh hưởng đối với hầu hết các vấn đề toàn cầu đáng chú ý, từ biến đổi khí hậu đến thương mại, và từ an ninh khu vực ở Đông Nam Á và Ấn Độ Dương đến các xu hướng đầu tư ở châu Phi và Trung Âu.
Vậy tại sao sự trỗi dậy của Trung Quốc lại làm nảy sinh quá nhiều lo ngại? Theo tác giả bài viết này- người trong hai năm qua đã đi khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, từ Colombo đến Kuala Lumpur, Tokyo đến Đài Bắc, Hà Nội đến Honolulu, Port Blair đến Perth, Washington đến Wellington, và xa hơn nữa đến châu Âu và Trung Đông - thì ở tất cả những nơi này và nhiều nơi khác, các nhà lãnh đạo chính trị, các nhà ngoại giao và các quan chức quân sự của khu vực đều có những lo ngại tương tự về sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Những lo ngại này tồn tại mặc dù Bắc Kinh trong vài tháng qua đã áp dụng một phương pháp tiếp cận ít đối đầu hơn đối với Đông Nam Á, Nhật Bản và Ấn Độ.
Về cơ bản, có 4 lý do để tiếp tục lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Thứ nhất - ít khi được nói ra - đó là một sản phẩm của sự thiếu rõ ràng của Trung Quốc trong việc đưa ra quyết sách và tập trung quyền lực. Điều này khó hiểu bởi vì Trung Quốc không còn là một quốc gia bị cô lập và hướng nội nữa mà là một quốc gia mà các quyết định của họ ảnh hưởng trực tiếp đến phần còn lại của thế giới.
Trong khi nhiều người đã hy vọng rằng sự hội nhập kinh tế và xã hội của Trung Quốc sẽ đi cùng với sự minh bạch trong việc đưa ra quyết định những vấn đề quan trọng, thì việc củng cố quyền lực của Tập Cận Bình đã làm giảm đi sự trông đợi đó.
Ngày nay, ngay cả những động thái tương đối nhỏ của Trung Quốc cũng được theo dõi với sự hoài nghi rất lớn. Như cựu Thứ trưởng Ngoại giao Indonesia, Dino Patti Djalal, mới đây đánh giá, trong khi Washington không còn là một ẩn số thì Trung Quốc vẫn là một "bí ẩn" về mặt chiến lược. Và ngay cả những người theo chủ nghĩa hiện thực cứng rắn sẽ thừa nhận rằng sự mù mờ về các ý định (của Trung Quốc) làm trầm trọng thêm sự cạnh tranh về an ninh.
Lý do thứ hai để ngày càng lo ngại có liên quan đến chính sách kinh tế và thương mại của Trung Quốc. Sự thống trị của các doanh nghiệp được nhà nước hậu thuẫn và hỗ trợ mạnh, quyền tiếp cận thị trường hạn chế trong một số lĩnh vực nhất định, các chương trình gián điệp công nghiệp tích cực, và chính sách giảm thuế để khuyến khích sản xuất và đầu tư cho phát triển đã dẫn đến hậu quả là tình trạng méo mó thị trường, sân chơi không bình đẳng và bong bóng nợ.
Các nhà lãnh đạo chính sách và chính trị ngày càng tin rằng mô hình của Trung Quốc đã làm tổn hại đến tăng trưởng và triển vọng việc làm ở nước họ.
Nước Mỹ dưới thời Donald Trump đã chọn cách chống lại "nền kinh tế lợi dụng" của Trung Quốc bằng cách đánh thuế và thắt chặt các cơ hội đầu tư. Tại Australia, đầu tư của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng chủ chốt đã trở thành một vấn đề gây tranh cãi.
Tại Ấn Độ, việc Trung Quốc bán phá giá đã khiến lòng tin của giới doanh nghiệp bị sứt mẻ. Chiến lược kinh tế quốc tế đặc trưng của Trung Quốc - Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) chỉ xuất khẩu và làm trầm trọng thêm những lo ngại này.
Thứ ba, mặc dù Trung Quốc không đơn độc trong những vụ tranh chấp lãnh thổ trong khu vực, các hành động gần đây của họ liên quan đến vùng lãnh thổ tranh chấp đã khiến tình hình thêm phức tạp.
Bắc Kinh thường xuyên sử dụng các công cụ dân sự - như tàu đánh cá có vũ trang, tàu nạo vét, các công nhân đường bộ và hàng không dân dụng- để áp đặt quyền kiểm soát hoặc chủ quyền đối với vùng lãnh thổ tranh chấp.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tuyên bố rằng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nên được "giải phóng khỏi sự áp bức hay sự thống trị của cường quốc."
Mối lo ngại này cũng được thể hiện trong hành động: Mỹ tăng cường các hoạt động tự do hàng hải (FONOP) ở Biển Đông, nỗ lực tái vũ trang của Nhật Bản và nỗ lực của Ấn Độ ngăn chặn Trung Quốc xây các tuyến đường bộ trong khu vực lãnh thổ tranh chấp ở dãy Himalaya.
Dù là ở Doklam hay Ieodo hay bãi cạn Scarborough, chủ nghĩa xét lại của Trung Quốc đang làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Cuối cùng, có những lo ngại vĩnh viễn về việc Trung Quốc thiếu tôn trọng các chuẩn mực quốc tế. Tự do hàng hải và hàng không là một vấn đề lớn, đặc biệt là sau khi Trung Quốc bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế ở La Haye liên quan đến Biển Đông.
Nhưng những mối lo ngại khác, bao gồm cả an ninh mạng, không phổ biến hạt nhân, không gian, và thậm chí cả Hệ thống Hiệp ước Nam Cực, đang trở nên rõ ràng hơn.
[Trung Quốc và Mỹ cùng ra sức tranh thủ sự ủng hộ ở châu Á]
Điều này ảnh hưởng đến một lĩnh vực cạnh tranh mới phát sinh khác: cơ sở hạ tầng kết nối. Một số quốc gia hiện đã bày tỏ rõ mối quan ngại về nguồn cung cấp tài chính không bền vững của Trung Quốc, sự mập mờ của các hợp đồng, các điều kiện chính trị ẩn đằng sau, thanh toán nợ bằng tài sản cầm cố và suy thoái môi trường.
Trong một thông điệp úp mở gửi Trung Quốc, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi từng cảnh báo tại Singapore rằng: Các quy tắc và chuẩn mực phải dựa trên sự nhất trí của tất cả các bên, chứ không phải dựa trên sức mạnh của một số ít.
Từ các nhà ngoại giao Thái Lan đến các đời thống đốc ngân hàng trung ương Nigeria, các đời tổng thống Pháp cho tới các nhà lãnh đạo Brazil mới đắc cử, những lời chỉ trích rộng rãi về chính sách đối ngoại của Trung Quốc càng lúc càng tăng.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc không thể và không nên được hiểu một cách hạn chế theo nghĩa truyền thống. Bất cứ nỗ lực nào nhằm gán những lời chỉ trích về hành vi của Trung Quốc theo kiểu "Tâm lý Chiến tranh Lạnh” đều không chính xác, nếu không phải là sự cố ý gây hiểu lầm.
Cụm từ chính sách ngăn chặn đã áp đặt một kế hoạch Chiến tranh Lạnh lỗi thời vào một loạt vấn đề của thế kỷ 21.
Tuy nhiên, điều mà những nước có chung mối lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc đang làm - theo cách riêng hoặc hợp tác với nhau - đang thúc đẩy các hành vi thù địch.
Việc kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc không nên được hiểu là một cụm từ ngoại giao, mà đó là một mục tiêu chiến lược riêng biệt.
Không nên loại trừ việc hợp tác với Bắc Kinh trong các lĩnh vực phản ánh những thay đổi tích cực - không phải tất cả các giao dịch với Trung Quốc đều mang tính cạnh tranh. Nhưng nếu những nỗ lực phối hợp có thể được thực hiện bằng cách sử dụng nhiều công cụ kinh tế, quân sự và ngoại giao để khuyến khích sự minh bạch của Trung Quốc trong việc ra quyết sách, tự do hóa thị trường, giải quyết những tranh chấp lãnh thổ một cách hợp tình hợp lý và tôn trọng các nguyên tắc quốc tế đã được công nhận, nó sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho các nước khác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và xa hơn nữa.
Rút cục việc này sẽ duy trì và tạo điều kiện thuận lợi cho Trung Quốc tiếp tục trỗi dậy./.