Góp ý dự thảo văn kiện Đại hội XIII: Trí tuệ, trách nhiệm của nhân dân

Hơn 20 ngày qua, ý kiến góp ý của các tầng lớp nhân dân rất đa dạng, đề cập các nội dung quan trọng về định hướng phát triển đất nước trên nhiều lĩnh vực đặc biệt là công tác xây dựng Đảng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Sau khi được chính thức công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, từ ngày 20/10-10/11/2020, đông đảo các tầng lớp nhân dân đã tham gia góp ý vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.

Nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm đã tham góp với Đảng nhằm hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng của đất nước đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và 2045, góp phần nâng cao chất lượng dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Công tác văn kiện là một trong hai nội dung đặc biệt quan trọng của mỗi kỳ Đại hội Đảng.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ Văn kiện Đại hội không phải là nghị quyết bình thường, là văn kiện 5 năm mới có một lần, vừa mang tính lý luận, vừa mang tính thực tiễn, tính chính trị, mang tầm chiến lược, đồng thời phải có tính quần chúng, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, dễ kiểm tra. Việc nhân dân tham gia đóng góp xây dựng văn kiện Đại hội là công việc có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt, thể hiện đậm nét vai trò làm chủ của nhân dân.

Hơn 20 ngày qua, ý kiến góp ý của các tầng lớp nhân dân rất đa dạng, đề cập các nội dung quan trọng về định hướng phát triển đất nước trên nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ... đặc biệt là công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Tập hợp ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân

Đa số ý kiến đánh giá các báo cáo được xây dựng công phu, bố cục chặt chẽ, khoa học; nội dung có tầm chiến lược, khái quát cao, có cơ sở lý luận và thực tiễn, phù hợp với tình hình quốc tế và trong nước.

Nội dung dự thảo các báo cáo thể hiện khách quan những thành tựu, hạn chế; vừa có tính tổng kết lý luận, vừa có ý nghĩa thực tiễn, phản ánh ý chí và nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân về tất cả các lĩnh vực được thể hiện trong các nhóm vấn đề lớn.

Ông Phạm Ngọc Thảo, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về dân chủ và pháp luật của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội, đánh giá các dự thảo báo cáo được chuẩn bị chu đáo, chất lượng, phương pháp xây dựng bố cục và nội dung rõ ràng, chi tiết, không chỉ có báo cáo chung mà có cả các báo cáo chuyên đề. Dự thảo Báo cáo chính trị mang tính tổng kết khá cụ thể, dễ hiểu, nghiêm túc, khoa học, cập nhật những thông tin mới ở trong nước và quốc tế.

[Góp ý dự thảo văn kiện Đại hội XIII: Trí tuệ và tâm huyết của tuổi trẻ]

Nhiều ý kiến nhận xét các nhận định đánh giá tổng quát đã làm nổi bật nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân vượt qua những khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, đạt được nhiều thành tựu quan trọng có ý nghĩa lịch sử, tạo nhiều dấu ấn nổi bật đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Đánh giá tổng quát thực hiện Nghị quyết Đại hội XII và diện mạo đất nước qua 35 năm đổi mới, các ý kiến đều nhất trí với đánh giá về kết quả thực hiện Nghị quyết nhiệm kỳ Đại hội XII, 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm; 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới.

Những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, trí tuệ, bản lĩnh của Đảng và nhân dân ta; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Nội dung dự thảo các báo cáo thể hiện khách quan những thành tựu, hạn chế và có tính khái quát cao; vừa có tính tổng kết lý luận, vừa có ý nghĩa thực tiễn, phản ánh ý chí và nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân về tất cả các lĩnh vực được thể hiện trong các nhóm vấn đề lớn.

Các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cơ bản phù hợp cho giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn chiến lược đến năm 2030 (mốc 100 năm thành lập Đảng) và năm 2045 (mốc 100 năm thành lập nước). Nhiều nội dung có tính kế thừa và phát triển về tư duy, lý luận. Việc lựa chọn chủ đề Đại hội XIII của Đảng đã bao quát đầy đủ những vấn đề cốt lõi nhất của Đảng, phù hợp với thực tiễn đặt ra cho đất nước trong giai đoạn tới.

Theo ông Võ Văn Đặng, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy phụ trách công nhân lao động Ngân hàng Sacombank, dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng thể hiện tầm nhìn đến năm 2025 là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.

Văn kiện có nhiều điểm mới, bám sát thực tiễn đất nước

Nhiều ý kiến cho rằng các dự thảo văn kiện đã đổi mới cách đánh giá, có nhiều điểm bám sát thực tiễn đất nước; thể hiện tính khách quan, toàn diện trong đánh giá các thành tựu, kết quả đạt được, những hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân cũng như xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp.

Đặc biệt, văn kiện có nhiều điểm mới, đó là đòi hỏi khách quan, đồng thời kế thừa từ các nhiệm kỳ trước và chọn lọc tiếp thu những kinh nghiệm thành công của các nước trong khu vực và thế giới.

Mỗi kỳ đại hội Đảng đều có một số điểm nhấn, tạo ấn tượng sâu đậm trong nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân, tạo sự thống nhất, đồng thuận, tin tưởng trong Đảng, trong xã hội.

Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng có một số điểm nhấn trong xác định tầm nhìn, mục tiêu phát triển với các dấu mốc quan trọng:

Đến năm 2025: Là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.

Năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển cơ bản có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

Năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Điểm nhấn là dự thảo lần này nhiều lần nhắc đến "khát vọng phát triển đất nước."

Giáo sư, Tiến sỹ Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, đánh giá: "Đây là một yếu tố rất mới, thực sự là nhân tố thể hiện sức mạnh nội sinh, tìm tòi của dân tộc ta."

"Các điểm mới lần này xuất phát từ bối cảnh, tình hình hiện nay xuất hiện nhiều cái mới mà chúng ta phải vươn lên để tiếp cận. Chúng ta đã tích lũy được kinh nghiệm, bài học sau 35 năm đổi mới; tiếp cận được xu thế phát triển của thế giới và tư duy hiện đại, kinh nghiệm thành công của các quốc gia."

"Cái mới trong dự thảo văn kiện Đại hội XIII lần này không phải mới về câu chữ mà mới từ cách tiếp cận, từ tầm bao quát," Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh.

Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Trưởng ban Chỉ đạo lấy ý kiến nhân dân góp ý vào các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, khát vọng phát triển đất nước được thể hiện với 3 mục tiêu, tầm nhìn cụ thể: Đến năm 2025, đến năm 2030, và đến năm 2045.

"Một khát vọng đi tới 25 năm để đến mốc Việt Nam trở thành đất nước phát triển thu nhập cao vượt qua được ngưỡng thu nhập trung bình. Đây là một mục tiêu rất lớn," bà Trương Thị Mai nhấn mạnh.

Đánh giá cao việc Đảng nhấn mạnh đến việc khơi dậy khát vọng phát triển đất nước trong dự thảo văn kiện Đại hội XIII, ông Phạm Đức Thọ, Phó Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh tỉnh Phú Thọ, phân tích đây là một nội dung phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, xu hướng phát triển của đất nước. Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Chính phủ, nền kinh tế của đất nước và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định. Đặc biệt, qua công tác phòng, chống đại dịch COVID-19, thực hiện tốt mục tiêu kép, Việt Nam đang là nước được quốc tế đánh giá rất cao.

Vì vậy, dự thảo văn kiện Đại hội XIII lần này đưa ra quan điểm về khát vọng xây dựng đất nước giàu mạnh, phát triển bền vững là rất hợp lý và chúng ta hoàn toàn có đủ điều kiện để hiện thực hóa khát vọng này, ông Phạm Đức Thọ tin tưởng.

Dự thảo Báo cáo chính trị của Đại hội XIII nhiều lần nêu đến cụm từ "khát vọng" và mục tiêu của khát vọng là phải phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Phó Trưởng ban Thanh niên Nông thôn Trung ương Đoàn Vũ Minh Thảo cho rằng chưa bao giờ nội hàm "khát vọng" lại được nhấn mạnh và thể hiện đậm nét, xuyên suốt như vậy.

"Là một người trẻ, tôi rất đồng tình và tán đồng với quan điểm này," anh Vũ Minh Thảo chia sẻ, để khơi dậy khát vọng mãnh liệt này, không ai khác chính là những người trẻ - những người được kỳ vọng là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước - phải được châm ngòi, nuôi dưỡng và tạo môi trường thuận lợi để biến những khát vọng thành những hành động có mục tiêu, gắn với từng điều kiện rất cụ thể của cá nhân, đơn vị, địa phương…

Việc lấy ý kiến của Nhân dân vào Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng nhằm tập hợp và phát huy trí tuệ, quyền làm chủ của Nhân dân tham gia đóng góp với Đảng trong việc hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng của đất nước.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, Giáo sư, Tiến sỹ Phùng Hữu Phú, đây là lần xin ý kiến rộng rãi nhất của Nhân dân vào Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Sau lần lấy ý kiến này, các ý kiến góp ý sẽ được tổng hợp để hoàn thiện dự thảo văn kiện, trình ra Trung ương lần cuối và trình ra Đại hội.

Giáo sư, Tiến sỹ Phùng Hữu Phú cho biết Trung ương đã phân công các đầu mối có trách nhiệm tổng hợp ý kiến đóng góp của nhân dân. Các ý kiến sẽ được chuyển về các Tiểu ban và các Tổ biên tập sẽ nghiên cứu rất nghiêm túc, tiếp thu đến mức cao nhất những ý kiến hợp lý để hoàn chỉnh văn kiện.

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Phùng Hữu Phú, cũng như những lần trước đây nhưng lần góp ý này quy trình chặt chẽ hơn, phạm vi rộng rãi hơn. Sau khi nhân dân góp ý, các Tiểu ban tiếp thu, hoàn thiện, Bộ Chính trị lắng nghe, Trung ương lắng nghe một lần nữa để tiếp thu triệt để ý kiến của dân rồi mới trình ra Đại hội. "Quy trình lần này làm chặt chẽ hơn, đầy đủ hơn, nghiêm túc hơn," Giáo sư, Tiến sỹ Phùng Hữu Phú đánh giá.

"Các Tiểu ban phải giải trình ý nào tiếp thu và tiếp thu thế nào, thể hiện trong văn bản thế nào so với trước; chỗ nào tiếp thu, chỗ nào chưa tiếp thu, vì sao. Tức là phải giải trình rất cặn kẽ lý do tiếp thu và những chỗ chưa tiếp thu," Giáo sư, Tiến sỹ Phùng Hữu Phú nêu.

"Việc lấy ý kiến nhân dân để ý Đảng, lòng dân là một. Những điểm nhân dân đóng góp, hợp lý, có lợi cho đất nước, có lợi cho nhân dân thì phải tiếp thu tối đa," Giáo sư, Tiến sỹ Phùng Hữu Phú khẳng định.

Việc công bố, thảo luận, lấy ý kiến của Nhân dân vào Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng góp phần tạo sự thống nhất cao về nhận thức, hành động và ý chí quyết tâm trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục