Gửi tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư ‘ăn chắc mặc bền’ trong mùa COVID-19

Nhiều khách hàng cho rằng, dù lãi suất tiền gửi có giảm so với trước Tết nhưng trong bối cảnh các kênh đầu tư đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh thì gửi tiền vào ngân hàng vẫn là kênh sinh lời nhất.
Giao dịch tại ngân hàng. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Cùng với việc triển khai hàng loạt chính sách giảm lãi vay, cơ cấu lại nợ hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch COVID-19, nhiều ngân hàng thương mại cũng điều chỉnh giảm lãi suất đầu vào ở các kỳ hạn.

Tuy nhiên, nhiều khách hàng cho rằng, dù lãi suất tiền gửi có giảm so với trước Tết nhưng trong bối cảnh các kênh đầu tư đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh thì gửi tiền vào ngân hàng vẫn là kênh sinh lời chắc chắn nhất.

Chọn kênh gửi tiết kiệm

Gia đình chị Hồng Thanh (Hà Nội) trước Tết tích góp được một khoản tiền định ra Tết sẽ mua mảnh đất nhỏ nhưng sau khi tìm hiểu thì số tiền này rất khó mua nên chị bàn bạc với chồng lựa chọn kênh gửi tiết kiệm ngân hàng.

“Những ngày qua tình hình dịch COVID-19 chuyển biến phức tạp đã khiến kinh tế bất ổn. Các kênh đầu tư khác đều khá rủi ro, chỉ có kênh tiết kiệm ngân hàng vẫn là kênh đầu tư an toàn nhất,” chị Thanh cho hay.

Cũng giống như chị Thanh, chị Bùi Ngọc Anh (Lê Chân, Hải Phòng) cho biết: “Tôi làm kế toán nên cũng tiết kiệm được một khoản, thường thì tôi vẫn gửi tiết kiệm dài hạn, có khoản gửi 6 tháng nhưng cũng có khoản gửi 1-2 năm. Tôi rất sợ đầu tư vào các kênh khác như chứng khoán hay các công ty huy động vốn vì mình không hiểu nhiều về những lĩnh vực này nên tôi nghĩ gửi tiền tại ngân hàng là ổn định nhất.”

[ABBANK tặng thêm 0,2% lãi suất tiền gửi tiết kiệm online]

Lựa chọn của chị Thanh, chị Ngọc Anh cũng là của rất nhiều người dân trong thời gian qua khi số lượng khách hàng đến các ngân hàng mở sổ tiết kiệm có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là trong những tháng đầu năm.

Hiện mặt bằng lãi suất tiền gửi từ 6 tháng đến 1 năm vẫn chênh cao hơn so với ngắn hạn từ 2-3%/năm vì thế nhiều ngân hàng cho biết dòng tiền gửi đang có xu hướng dịch chuyển dần sang các kỳ trung và dài hạn và gửi tiết kiệm online để có mức lãi suất cao hơn.

Bà Lê Thu Thủy, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeABank) cho biết, với các kỳ hạn từ 6-12 tháng hoặc cao hơn SeABank đã đưa ra những mức lãi suất hấp dẫn hơn vì ngân hàng cũng muốn thu hút được nguồn tiền gửi trung dài hạn để đảm bảo được các chỉ số của ngân hàng như chỉ số tỷ lệ an toàn vốn và các chỉ số khác.

Ông Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế nhấn mạnh: “Với mức tiền gửi từ 6 tháng trở lên tôi thấy trong bối cảnh hiện nay vẫn đủ hấp dẫn, nó tạo khoảng không lớn để các ngân hàng thương mại vẫn tiếp tục huy động, người dân vẫn tiếp tục gửi tiền. Ngoài ra, bước đi vừa rồi của Ngân hàng Nhà nước khẳng định Ngân hàng Nhà nước sẽ có đủ công cụ để đảm bảo thanh khoản cho thị trường.”

Nếu như trước đây, bất động sản là kênh được các nhà đầu tư quan tâm nhất do lợi nhuận thuộc hàng “khủng” nhất thì nhiều năm trở lại đây, kênh này được giới đầu tư rất “dè chừng” do các chính sách của nhà quản lý nhằm siết chặt thị trường bất động sản.

Với kênh đầu tư vàng, theo chuyên gia ngành tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, sự biến động của giá vàng phụ thuộc vào nhiều yếu tố nên luôn biến chuyển phức tạp. Vàng vẫn luôn là kênh đầu tư nhiều rủi ro nên ông Hiếu cho rằng, nhà đầu tư nên cân nhắc khi đổ tiền vào vàng trong năm nay.

Theo ông Hiếu, với tâm lý “ăn chắc mặc bền” nên người dân lâu nay vẫn lựa chọn kênh ngân hàng là kênh trú ẩn an toàn nhất. Mặc dù không phải là kênh sinh lời lớn, song đây là kênh không tiềm ẩn những rủi ro nhiều như vàng hay bất động sản, chứng khoán…

Chính vì vậy, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, huy động vốn bằng VND đến cuối tháng Ba vẫn tăng 0,95%.

Nhiều khách hàng lựa chọn gửi tiết kiệm online vừa an toàn lại được cộng thêm lãi suất. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Được cộng lãi suất khi gửi tiết kiệm online

Nắm bắt tâm lý nhiều khách hàng ngại đến chỗ đông người do lo ngại dịch COVID-19, hưởng ứng khuyến cáo của Bộ Y tế, nhiều ngân hàng đã đưa ra các chương trình ưu đãi cho kênh tiết kiệm online được cộng thêm từ 0,1%-0,4%/năm so với gửi thông thường.

Đơn cử như Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại chúng Việt Nam (PVcomBank), khuyến khích khách hàng tăng cường gửi tiết kiệm online thông qua kênh giao dịch trực tuyến PV Online Banking và gửi tại đây khách hàng còn được cộng thêm 0,3% lãi suất so với gửi tiết kiệm thông thường.

Đại diện PVcomBank nhận định: “Một bộ phận lớn người dùng đang chuyển sang gửi tiết kiệm online bởi lãi suất cộng thêm hấp dẫn, nhờ đó họ sẽ vừa bảo toàn nguồn vốn, vừa sinh lời nhiều hơn để dự phòng rủi ro cũng như chờ cơ hội đầu tư thích hợp sau khi dịch bệnh kết thúc.”

Tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn-Hà Nội (SHB), từ nay đến hết 30/6, nhà băng triển khai chương trình khuyến mại “Tiết kiệm Online-an toàn gấp 2,” giúp khách hàng có thể gửi tiết kiệm qua ngân hàng điện tử của SHB mà không cần trực tiếp đến quầy giao dịch. Lãi suất cũng khá hấp dẫn, khoảng 7,4-7,9% với kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.

Tại VIB, MSB, TPBank, SeABank, MB khách hàng gửi tiết kiệm trực tuyến cũng sẽ được hưởng ưu đãi lãi suất trong khoảng từ 0,1%-0,2% so với gửi tiết kiệm tại quầy. Trong khi đó, KienLongBank ưu đãi thêm lãi suất cho các khoản tiền gửi online từ 0,2-0,25%/năm so với tiết kiệm truyền thống.

Nhóm 6 ngân hàng bao gồm VPBank, ABBANK, HDBank, OCB, Sacombank, Viet A Bank tăng đều lãi suất cho tất cả các kỳ hạn lên 0,1% cho các khoản tiền gửi trực tuyến so với gửi tại quầy.

Đại diện các ngân hàng khẳng định, với tiết kiệm trực tuyến, khách hàng hoàn toàn an tâm về tính bảo mật với giải pháp xác thực người dùng nhiều lớp và việc gửi thông tin xác thực cho khách hàng qua tin nhắn SMS và email. Tất cả bản sao kê chứng thực đối với dịch vụ ngân hàng điện tử có giá trị tương đương như các loại hình tiết kiệm truyền thống tại quầy giao dịch.

Vì vậy, gửi tiết kiệm online mang đến nhiều tiện ích trong hoàn cảnh mọi người hạn chế đi lại, tiếp xúc. Theo đó, người dùng dễ dàng gửi khoản tiền nhàn rỗi của mình vào một nơi an toàn, với mức sinh lời ổn định, không cần lo lắng rủi ro trên đường mang tiền đến ngân hàng, không còn phải nhớ nơi cất giữ cuốn sổ tiết kiệm, không cần phải tới tận quầy giao dịch và thậm chí không cần phụ thuộc vào khung giờ làm việc của ngân hàng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục