Bộ Ngoại giao Hà Lan ngày 9/3 tuyên bố nước này từ chối ủng hộ chuyến thăm của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tới Hà Lan để vận động chính trị.
Ngoại trưởng Hà Lan Bert Koenders cho biết ông đã điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ về đề nghị đến Hà Lan với mục đích tiến hành chiến dịch vận động cho kế hoạch cải cách hiến pháp tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Koenders thông báo Chính phủ Hà Lan xem chuyến đi này là "không mong muốn" và sẽ không thúc đẩy, không hợp tác tổ chức cũng như tạo điều kiện cho chuyến đi. Hơn nữa, Ngoại trưởng Hà Lan từ chối gặp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ và nhấn mạnh chính quyền không hỗ trợ như thông thường cho chuyến thăm cấp bộ trưởng.
Ông Koenders nhấn mạnh: "Người Hà Lan có trách nhiệm giữ gìn trật tự xã hội và an toàn của người Hà Lan."
Theo kế hoạch, ngày 11/3, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gặp gỡ cộng đồng Thổ Nhĩ Kỳ tại Rotterdam còn ngày 10/3, Bộ trưởng Các vấn đề chính sách xã hội và gia đình Thổ Nhĩ Kỳ Fatma Betul Sayan Kaya sẽ tiến hành cuộc vận động tương tự tại Hengelo, phía Đông Hà Lan. Tuy nhiên, chính quyền cả hai địa phương trên đều đã thông báo hủy bỏ các sự kiện này.
Trong một diễn biến khác có liên quan, Chính phủ Thụy Sĩ ngày 9/3 đã bác bỏ yêu cầu của chính quyền thành phố Zurich về việc hủy bỏ chuyến đi tới nước này của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu.
Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ nhấn mạnh chuyến thăm này không gây ra nguy cơ cao nào về an ninh đối với Thụy Sĩ vì vậy không có lý do gì phải hủy bỏ chuyến thăm. Tuy nhiên thông báo của Bộ Ngoại giao cũng nêu rõ các cơ quan chức năng của Thụy Sĩ sẽ tiếp tục theo dõi tình hình và sẵn sàng đưa ra các đề xuất trong trường hợp cần thiết.
Tờ Tribune de Geneve của Thụy Sĩ cho biết một cuộc gặp giữa ông Cavusoglu với đại diện cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ ở Thụy Sĩ tại một khách sạn ở Zurich đã bị hủy bỏ vì lý do an ninh.
Trước đó, Đức và Áo cũng đã cấm các chính trị gia Thổ Nhĩ Kỳ vận động cộng đồng Thổ Nhĩ Kỳ tại các nước này ủng hộ kế hoạch cải cách hiến pháp nhằm tăng quyền lực cho Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.
Vụ việc này đã dẫn đến căng thẳng giữa hai nước Đức và Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Tổng thống Erdogan gọi cách hành xử của Đức là "phátxít" và Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ một phóng viên quốc tịch Đức với cáo buộc tuyên truyền khủng bố và kích động hận thủ./.