Không "căng thẳng" như các đơn vị vận tải hàng không, đường sắt phải tăng ghế, nối toa, tăng chuyến bay, các doanh nghiệp vận tải hành khách liên tỉnh hoạt động tại các bến xe ở Hà Nội đang phải "dài cổ" chờ khách trong những ngày cuối cùng của năm Quý Mão.
Thậm chí trong những ngày cao điểm, việc lấp đầy ghế cũng khó khăn. Trong khoảnh khắc sắp chuyển giao giữa năm cũ, năm mới, tại các bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm, Mỹ Đình… từng hàng dài phương tiện vẫn nhẫn nại chờ đón những người khách cuối cùng của năm, nhưng các nhà xe, tài xế… không dấu được nỗi buồn vì "bến vắng, người thưa."
"Lượng khách năm nay kém lắm, không bằng năm ngoái. Từ hôm 29 Tết có khách đâu, từ sáng đến hơn 12 giờ trưa mới được 2 khách", anh Đinh Hữu Cần, nhà xe Cần Châu chạy tuyến Hà Nội-Nghệ An chia sẻ.
Theo anh Đinh Hữu Cần, hầu hết các nhà xe hoạt động tại Bến xe Nước Ngầm đều trong tình trạng như vậy. Dù trong đợt Tết nhưng số ghế được lấp đầy chỉ đạt từ 50-70%, trong khi trung bình chi phí cho mỗi chuyến cả đi và về hết khoảng 5 triệu đồng.
"Khách vắng nên các nhà xe, bến xe cũng buồn," anh Đinh Hữu Cần nói.
Lái xe Trọng Sơn, nhà xe Thượng Mai, chạy tuyến Hà Nội-Thanh Hóa cho biết, Tết năm 2023, xe "quay đầu" chạy được 2 chuyến, nhưng nay chỉ được 1 chuyến/ngày. Số lượng hành khách giảm sút nhiều từ đợt dịch COVID-19 đến nay vẫn chưa phục hồi, thậm chí còn ngày càng giảm sút do bị "xe dù," xe "ghép" hút hết khách. Giờ "xe dù, xe ghép" nhiều, lại đưa đón tận nơi nên hành khách ngại vào bến. Chính vì vậy, xe tuyến cố định hoạt động trong bến luôn gặp tình trạng vắng khách.
Do tình trạng vắng khách nên đợt phục vụ Tết năm 2024 Bến xe Nước Ngầm cho cán bộ, nhân viên khối văn phòng nghỉ Tết từ ngày 27 Tết. Công tác phục vụ hành khách, an ninh trật tự trong và ngoài khu vực bến xe được đảm bảo.
Tương tự tình trạng hoạt động xe khách liên tỉnh tại Bến xe Nước Ngầm, các lái xe ở Bến xe Giáp Bát cũng cho biết, lượng khách đến bến xe năm nay giảm sút trầm trọng do nở rộ hoạt động "xe dù," xe "ghép." Như năm ngoái từ ngày 20 Tết trở đi mỗi ngày chạy được 2 chuyến nhưng năm nay chưa có ngày nào đi được 2 chuyến.
Lý giải việc lượng khách năm nay giảm nhiều so với mọi năm, lái xe Nguyễn Xuân Trường, nhà xe Hiền Lan cho biết xe Limousine, xe ghép nở rộ khắp nơi là nguyên nhân chính khiến xe hoạt động trong bến vắng khách.
Nếu các năm trước, xe ra bến không phải tìm khách thì năm nay chờ nửa ngày mới được 10 khách, chưa đủ để xuất bến. Chi phí cho một chuyến đi 4 triệu đồng với giá vé 200.000 đồng/khách, càng chạy nhà xe càng lỗ.
"Nhà xe chúng em phục vụ rất chu đáo nhưng lượng khách không có vì "xe dù, bến cóc" nhiều lắm, xe "ghép" chạy loanh quanh đón khách khắp nơi. Đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý triệt để tình trạng "xe dù, bến cóc" để hành khách đến bến, các doanh nghiệp yên tâm hoạt động," lái xe Lương Văn Ngọc, nhà xe Hùng Thắng chia sẻ.
Lái xe này cho biết thêm, nhà xe Hùng Thắng có 13 "nốt" nhưng đến nửa ngày mới chạy được 3 nốt, lượng khách ít, doanh nghiệp làm ăn thua kém nên cũng trì trệ trong việc chi trả lương bổng cho lái xe.
Trong số rất nhiều hành khách lựa chọn xe ghép, xe hợp đồng, Limousine làm phương tiện về quê thì vẫn có một bộ phận hành khách duy trì thói quen đến bến. "Em đặt xe rất thuận lợi, giá vé 300.000 đồng từ Hà Nội- Hà Tĩnh. Bao năm nay em quen vào bến đi xe và cảm thấy anh em thân thiết, việc đi lại thuận lợi," anh Trần Văn Hiển từ Đài Loan (Trung Quốc) về quê ăn Tết với gia đình bày tỏ.
Bước vào đợt cao điểm phục vụ Tết Nguyên đán 2024, Bến xe Giáp Bát nhận dự kiến lượng hành khách tăng khoảng 300% so với ngày thường. Tuy nhiên, Phó Giám đốc Bến xe Giáp Bát Tạ Anh Tuấn cho biết, thực tế chỉ tăng gấp đôi, trung bình mỗi ngày 770-780 lượt xe xuất bến vận chuyển 12.000 lượt khách/ngày, hành khách đến bến đông nhất vào ngày 28 và 29 Tết. Các doanh nghiệp chuẩn bị phương tiện tăng cường nhưng đến ngày 30 Tết vẫn chưa phải sử dụng xe tăng cường ngoài tuyến.
Hiện, Bến xe Giáp Bát có 100 doanh nghiệp hoạt động tại bến, số lượng phương tiện giảm hơn 30% so với trước dịch COVID-19. Tình trạng "xe dù, bến cóc," xe hợp đồng trá hình; xe "ghép" đón, trả khách khắp nơi đẩy các nhà xe hoạt động trong bến vào tình cảnh rất khó khăn.
Theo ông Tạ Anh Tuấn, trong đợt phục vụ Tết Nguyên đán 2024, tại Bến xe Giáp Bát chỉ có 3 doanh nghiệp tăng giá vé; trong đó Công ty cổ phần Vận tải dịch vụ du lịch Phương Trang tăng 60%, từ 400.000 đồng/vé lên 640.000 đồng/vé trên tuyến Hà Nội-Đà Nẵng; Công ty cổ phần Xe khách dịch vụ thương mại Đà Nẵng cũng tăng lên 640.000 đồng/vé; Công ty Dịch vụ du lịch Hải Vân tăng 60% lên 605.000 đồng/vé. Các doanh nghiệp này trước khi tăng giá vé đã hoàn thiện hồ sơ trình các cơ quan, ban ngành cho phép mới triển khai, đối với các đơn vị vận tải tự tăng giá vé, nếu phát hiện được sẽ bị xử lý.
Ngay từ khi bước vào đợt phục vụ Tết, ngoài việc cam kết tuyệt đối không tùy tiện tăng giá vé, các doanh nghiệp còn phải cam kết không nhồi nhét hành khách; đảm bảo phục vụ đến hành khách cuối cùng. Trên xe có dán số điện thoại đường dây nóng, nếu hành khách gọi điện phản ánh vi phạm, bến xe phối hợp với các lực lượng chức năng sẽ xử lý kịp thời.
So với mọi năm, năm nay, bến xe Mỹ Đình cũng khá vắng khách, không xảy ra tình trạng ùn ứ, người dân đặt xe thuận tiện, dễ dàng. Nhiều thời điểm, xe xuất bến trong tình trạng thiếu khách. Để thu hút hành khách đến bến, Bến xe Mỹ Đình đã đưa vào sử dụng nhà chờ chất lượng cao, từ đó góp phần tạo ra hình ảnh mới sạch đẹp, được khách hàng và đơn vị vận tải ủng hộ.
Theo ông Phạm Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội, để phục vụ tốt nhất cho hành khách qua bến xe trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, đơn vị đã chuẩn bị đầy đủ các phương tiện điều hành, đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ...
Tấp nập bến xe Thành phố Hồ Chí Minh ngày cận Tết
Ngày 7/2/2024 (28 Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024), các bến xe, nhà ga luôn trong tình trạng đông đúc, tấp nập người dân rời Thành phố Hồ Chí Minh về quê đón Tết.
Công ty đã tổ chức phát động chương trình cao điểm nâng cao chất lượng phục vụ hành khách dịp Tết với sự cam kết mạnh mẽ của các lực lượng chức năng, doanh nghiệp vận tải, các bến xe. Đặc biệt, công ty đã đầu tư, cải tạo, nâng cấp các công trình hạng mục phục vụ khách tại các bến xe như: Quy hoạch lại vị trí đỗ, quầy dịch vụ, tạo không gian sạch sẽ, tiện nghi, văn minh lịch sự và có nhà vệ sinh trong bến.
Đối với khó khăn của doanh nghiệp vận tải hoạt động trong các bến xe, ông Phạm Mạnh Hùng thừa nhận hiện nay xuất hiện loại hình xe ghép, xe đi chung đang sử dụng biển trắng, không phải biển màu vàng dành cho hoạt động kinh doanh vận tải... gây tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, thất thu thuế cho Nhà nước./.