Hà Nội: Đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển cây chè

Trong giai đoạn 2016-2020, Ba Trại (Ba Vì, Hà Nội) sẽ chuyển đổi toàn bộ 327ha giống chè cũ và trồng mới 50ha, phấn đấu đạt 100% diện tích chè sản xuất theo quy trình VietGAP, ứng dụng công nghệ cao.
(Ảnh minh họa: Thế Duyệt/TTXVN)

Cây chè là cây truyền thống, cây lâu năm, phát triển tương đối ổn định, nếu thâm canh tốt thì sẽ cho hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho người dân. Đặc biệt phát triển các vùng chè gắn với du lịch sinh thái, khu tham quan sẽ nâng giá trị kinh tế.

Vì vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội đã triển khai đề án sản xuất và tiêu thụ chè an toàn cho người dân ở xã Ba Trại (huyện Ba Vì, Hà Nội) như hỗ trợ về mô hình, giống, kỹ thuật, tập huấn, hỗ trợ tiêu thụ.

Trong giai đoạn 2016-2020, Ba Trại sẽ chuyển đổi toàn bộ 327ha giống chè cũ và trồng mới 50ha, phấn đấu đạt 100% diện tích chè sản xuất theo quy trình VietGAP, ứng dụng công nghệ cao.

Ba Trại là một trong bảy xã miền núi của huyện Ba Vì, điều kiện canh tác khó khăn nên bao đời nay người nông dân vẫn chỉ trông chờ vào cây chè.

Để giúp bà con làm giàu từ cây chè, chính quyền xã Ba Trại đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng về quy trình thâm canh chè theo hướng VIETGAP, đặc biệt về quy trình trồng mới, trồng thay thế giống chè trung du lá nhỏ đã già cỗi bằng các giống chè mới như LDP1-PH8, LDP2-Kim Tuyên.

Sau 3 năm triển khai các giống chè mới cho năng suất và chất lượng cao, đến nay, Ba Trại có 30ha chè VietGAP và thay thế được 86ha chè già cỗi. Giống chè này do Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội hỗ trợ và hướng dẫn bà con về kỹ thuật chăm sóc, tạo tán, tạo hàng, phát triển quanh các loại cây tạp trong vườn hộ, sử dụng phân bón hợp lý có hiệu quả và quy trình thu hái, chế biến theo hình thức cơ giới hóa.

Qua so sánh đối chứng (trên 1ha canh tác) cho thấy mô hình cho giá trị kinh tế cao hơn 95 triệu đồng so với mô hình thâm canh chè truyền thống. Với những kết quả đạt được ban đầu khá khả quan nên người dân đều hưởng ứng và mong muốn được tham gia chương trình để được tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp an toàn, đưa vào sản xuất giống chè năng suất, chất lượng và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Bà Nguyễn Thị Son, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Ba Trại, cho biết sản xuất chè đã góp phần quan trọng vào tăng thu nhập và cải thiện đời sống nông dân địa phương. Năm 2015, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 18 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm từ 3-5%. Xã đã đạt 12/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, việc thâm canh cây chè ở Ba trại cũng gặp một số khó khăn như nguồn nước tưới còn hạn chế do nhiều nơi không khoan được giếng, phần lớn người dân vẫn phải sử dụng nguồn nước từ giếng đào.

Hiện nay, đập chứa nước trên địa bàn xã Ba Trại chỉ đáp ứng đủ nước tưới khoảng cho 120 ha chè, còn lại phải phụ thuộc vào nguồn nước mưa tự nhiên. Vì vậy, xã mong muốn được Thành phố quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi, tạo điều kiện thuận lợi chăm sóc và phát triển cây chè./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục