Hạ viện Mỹ lạc quan về triển vọng thông qua dự luật chi tiêu khổng lồ

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cho rằng các nghị sỹ đảng Dân chủ đang tiến gần tới việc đạt được một thỏa thuận về gói chi tiêu xã hội, vốn gây chia rẽ giữa những nghị sỹ cấp tiến và ôn hòa.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi. (Ảnh: THX/TTXVN)

Sau nhiều tháng tranh cãi gay gắt giữa các thành viên đảng Dân chủ, ngày 24/10, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã bày tỏ lạc quan về khả năng đạt được thỏa thuận đối với dự luật chi tiêu xã hội khổng lồ và xúc tiến một cuộc bỏ phiếu đối với dự luật cơ sở hạ tầng của cả hai đảng trong tuần này.

Trả lời phỏng vấn trong chương trình "State of the Union" của kênh truyền hình CNN, bà Pelosi cho rằng các nghị sỹ đảng Dân chủ đang tiến gần tới việc đạt được một thỏa thuận về gói chi tiêu xã hội, vốn gây chia rẽ giữa những nghị sỹ cấp tiến và ôn hòa. Bà cũng bày tỏ lạc quan về cuộc bỏ phiếu đối với dự luật đầu tư cho cơ sở hạ tầng sẽ được xúc tiến trong tuần tới.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đang nỗ lực thúc đẩy việc thông qua hai dự luật chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và an sinh xã hội - vốn được đảng Dân chủ coi là có ý nghĩa quan trọng để được giành được sự ủng hộ của cử tri trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm tới - trước khi ông lên đường tham dự hội nghị thượng đỉnh về khí hậu, dự kiện khai mạc vào ngày 31/10 tại Glasgow (Anh).

Nhà Trắng trước đó cũng lưu ý những “tiến bộ” đã đạt được trong cuộc trao đổi giữa ông Biden với Thượng nghị sĩ Joe Manchin, một trong hai thành viên của đảng Dân chủ phản đối chương trình “Xây dựng lại nước Mỹ tốt hơn” của ông tại nhà riêng.

Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer cũng tham gia cuộc gặp. Tổng thống Biden cũng đã bày tỏ lạc quan khi cho biết "Tôi nghĩ rằng sẽ đạt được một thỏa thuận."

Dự luật để tu bổ cơ sở hạ tầng và một dự luật khác để tài trợ cho công tác chăm sóc trẻ em và các chi tiêu xã hội khác đang là chủ đề gây tranh luận trên chính trường Mỹ.

Theo Tổng thống Biden, hai dự luật này sẽ "thổi luồng sinh khí mới vào nền kinh tế." Mặc dù vậy, cả hai dự luật này đều đang mắc kẹt tại Quốc hội, nơi đảng Dân chủ kiểm soát cả hai viện với đa số mong manh, nhưng lại đang bị chia rẽ về chi phí và phạm vi đề xuất của ông Biden.

Ông Biden cho rằng Mỹ cần ngân sách trị giá 1.200 tỷ USD để sửa chữa những cây cầu, đường sá và đường sắt đã xuống cấp từ lâu cùng một ngân sách lớn hơn dành cho chăm sóc trẻ em và các lĩnh vực khác, mà theo ông đây sẽ là những sự hỗ trợ mang tính lịch sử dành cho những người bình thường đang gặp khó khăn.

[Mỹ ghi nhận mức thâm hụt ngân sách cao thứ 2 trong lịch sử]

Mấu chốt chính của những tranh cãi hiện nay là quy mô của gói ngân sách thứ hai. Ông Biden đề xuất khoản tiền này là 3.500 tỷ USD, nhưng các nghị sỹ khác cho rằng mức chi hợp lý chỉ là 1.900 tỷ USD đến 2.200 tỷ USD. Điều đó có nghĩa là phải cắt giảm đáng kể các ưu tiên của ông Biden trong các lĩnh vực như mở rộng giáo dục miễn phí và năng lượng sạch.

Trong diễn biến khác, cùng ngày, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Janet Yellen dự báo lạm phát tại Mỹ sẽ quay trở lại mức vừa phải hơn trong nửa cuối năm 2022.

Phát biểu trong chương trình State of the Union của CNN, bà Yellen đã lưu ý đến một xu hướng tích cực khi tỷ lệ lạm phát hàng tháng đã giảm đáng kể so với tỷ lệ rất cao được ghi nhận vào mùa Xuân và đầu mùa Hè.

Trên cơ sở 12 tháng, tỷ lệ lạm phát sẽ vẫn ở mức cao trong năm tới song bộ trên kỳ vọng vấn đề này sẽ cải thiện trong nửa cuối năm sau. Theo bà Yellen, các điều kiện kinh tế sẽ được cải thiện trong bối cảnh Mỹ dần phục hồi sau cuộc khủng hoảng dịch COVID-19, vấn đề chuỗi cung ứng được khắc phục và người dân trở lại làm việc.

Với những khó khăn trong chuỗi cung ứng, cũng như tình trạng thiếu hụt lao động và nhu cầu mua sắm vẫn còn mạnh, giá tiêu dùng của Mỹ trong tháng Chín đã đạt 5,4% so với cùng kỳ năm 2020. Điều này làm làm dấy lên lo ngại về sự phục hồi của nền kinh tế đầu tàu thế giới.

Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã đặt mục tiêu duy trì tỷ lệ lạm phát ở quanh mức 2%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục