Hai cột trụ quyền lực của tân Tổng thống Brazi Jair Bolsonaro

Với khẩu hiệu 'Brazil trên tất cả, Chúa Trời trên tất cả,' giới Tin lành và giới quân sự trở thành điểm tựa và hai trụ cột quyền lực của Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro (giữa, trái) cùng phu nhân Michelle Bolsonaro tới tòa nhà Quốc hội ở Brasilia để làm lễ nhậm chức ngày 1/1/2019. (Ảnh: THX/TTXVN)

Khi đắc cử, tân Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro rõ ràng đại diện cho một sự chuyển hướng của quốc gia rộng lớn nhất Mỹ Latinh này. Theo nhận định của tuần báo Progreso Semanal (Mỹ) xuất bản bằng tiếng Tây Ban Nha), nhiều cử tri Brazil có lẽ đã bỏ phiếu cho ông để ngăn chặn nạn tham nhũng đang gây bức bối cho xã hội khi đó chứ không phải cho một chính quyền hữu khuynh cực đoan. Nhưng họ đã nhầm.

Cựu sỹ quan Quân đội Brazil này chưa bao giờ che giấu quan điểm chính trị cấp tiến cực đoan của mình, điều được thể hiện ngay trong khẩu hiệu tranh cử đã được lựa chọn cẩn thận của ông: “Brazil trên tất cả, Chúa Trời trên tất cả” - khẩu hiệu đã giúp ông chinh phục trái tim của 57,8 triệu cử tri này cũng đồng thời nói lên những lực lượng chính trị chính mà Bolsonaro muốn lôi kéo, và giờ đây cũng là 2 điểm tựa chính của ông, để bước lên vị trí quyền lực cao nhất.

Nửa đầu trong khẩu hiệu này bắt nguồn từ một trong những nhóm lính dù cực đoan nhất của Quân đội Brazil, nhóm Centella Nativista (Tia chớp bản địa), từng lên kế hoạch tấn công vũ trang và phong tỏa một đài phát thanh vào năm 1969 để gây sức ép đòi chính phủ phải từ bỏ đàm phán với một nhóm du kích cánh tả đã bắt cóc một đại sứ Mỹ.

Sau này, khẩu hiệu “Brazil trên tất cả” đã trở thành lời tuyên thệ chính thức của lực lượng lính dù tại “đất nước Amazon.”

Jair Bolsonaro là quân nhân đầu tiên ngồi vào ghế tổng thống của Cộng hòa Brazil kể từ Joao Figueredo - người từng đánh dấu cái kết cho 21 năm chế độ độc tài quân sự tại Brazil thông qua đàm phán.

Trong sự nghiệp 27 năm làm nghị sỹ, Bolsonaro luôn đánh bóng nguồn gốc quân nhân của mình - được nung nấu từ khi còn niên thiếu, khi ông tham gia chiến dịch năm 1970 của các lực lượng vũ trang bao vây thủ lĩnh cộng sản Carlos Lamarca, người từng huấn luyện du kích ngay trong nội thành Sao Paulo.

Chàng thiếu niên Bolsonaro khi đó đã say mê sức mạnh mà nền độc tài phô diễn: một đại chiến dịch với sự tham gia của 2.900 binh lính và thậm chí cả đánh bom napalm để săn đuổi 9 chiến sỹ du kích.

[Tân Tổng thống Brazil nhậm chức, tuyên chiến với nạn tham nhũng]

Kể từ đó, Bolsonaro quyết định trở thành một quân nhân, nhưng không phải một quân nhân thông thường.

Trong đời binh nghiệp, tân Tổng thống Brazil từng đứng trong hàng ngũ của các đơn vị pháo binh chiến trường và lính dù biệt kích.

Ông luôn nằm trong số những nhóm cấp tiến nhất, những kẻ tin rằng chính phủ phải cứng rắn hơn với “những tên khủng bố” cộng sản, và từng công khai ca ngợi những biện pháp như tra tấn, ám sát và săn đuổi đối thủ chính trị của nền độc tài.

Nếu ai đó tin rằng đây chỉ là chuyện quá khứ thì chính diễn văn tranh cử của chính trị gia cực hữu này cũng đủ làm bằng chứng. Lời hứa “giải phóng Brazil khỏi chủ nghĩa xã hội” - tại một đất nước chưa bao giờ mang tính xã hội chủ nghĩa - đã lay động được những kẻ bảo vệ nhiệt thành nhất nền độc tài trước đây, những người thậm chí còn tin rằng cuộc đảo chính quân sự năm nào đã cứu rỗi Brazil khỏi chủ nghĩa cộng sản ngay chính thời điểm nóng bỏng của Chiến tranh Lạnh.

Tân tổng thống Brazil duy trì một lập trường cấp tiến trong không chỉ các vấn đề công.

Bolsonaro đã thêm vào trong nửa vế sau khẩu hiệu tranh cử của ông một khía cạnh tôn giáo, xác định sự kết hợp của ông với những Giáo hội Tin lành, đạo phái có lượng tín đồ chiếm tới 30% dân số Brazil và 90 nghị sỹ trong cơ quan lập pháp.

Góp phần vào chiến thắng của Bolsonaro là sự tập hợp chưa từng có các Giáo hội Tin lành tại Brazil, vốn thường cạnh tranh lẫn nhau.

Đây cũng là điều từng diễn ra tại Costa Rica, Colombia, Cộng hòa Dominica, Peru và Mexico, nơi các nhánh Tin lành đã gạt bỏ khác biệt và góp chung sức mạnh chính trị để đạt được những mục tiêu chung: cản bước tiến của một số quyền như bình đẳng hôn nhân của người đồng giới, ngăn chặn các luật có lợi cho việc phá thai và mở rộng giáo dục thần học tại các trường học.

Trong Chính phủ mới của Brazil, giới Tin lành đã chiến thắng trong cuộc cạnh tranh chức Bộ trưởng Giáo dục, và người được bổ nhiệm hiện là nhân vật ủng hộ việc kiểm duyệt nội dung giáo dục giới tính và phê bình chính trị, và họ cũng đã thành công trong việc đưa một nữ mục sư có quan điểm phản đối nạo phá thai - kể cả trong trường hợp là hệ quả của các hành động cưỡng bức - vào vị trí Bộ trưởng Phụ nữ và Nhân quyền.

Về phần mình, giới quân sự đã trở thành xương sống trong chính phủ mới. Nội các của ông Bolsonaro có số lượng quân nhân đông đảo nhất kể từ khi Brazil chấm dứt nền độc tài: 6 bộ trưởng, tương đương 30% nội các, và phó tổng thống là một vị tướng với những phát ngôn gây tranh cãi khi từng đề xuất can thiệp quân sự để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị từ chiến dịch điều tra chống tham nhũng Lava Jato.

Tân tổng thống thậm chí còn trao cho Bộ trưởng Thư ký Nội các - một vị tướng về hưu - chức năng “giám sát” công việc của các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức quốc tế.

Ngay trong ngày đầu tiên cầm quyền, ông Bolsonaro đã trao cho 2 lực lượng chính trị được tôn vinh trong khẩu hiệu tranh cử của mình một số trong những quyền hạn gây tranh cãi nhất.

Bolsonaro xóa bỏ bộ phận xử lý những vấn đề liên quan tới cộng đồng LGBT (đồng giới, lưỡng giới và chuyển giới) thuộc Bộ Phụ nữ và Nhân quyền, trong khi lại trao thẩm quyền quản lý Ủy ban Ân xá, chuyên tiếp nhận và xử lý các yêu cầu, khiếu nại đòi đền bù của những nạn nhân của chế độ quân sự trước đây từ Bộ Tư pháp sang bộ này; đồng thời công bố quy định cho phép mở rộng các trường học do quân đội quản lý với các giáo trình đề cao giá trị và cách tổ chức quân sự cho thanh, thiếu niên.

Hiện tại chỉ có 12 trường loại này tại Brazil được cấp phép, nhưng từ giờ trở đi, bất cứ trường công lập nào cũng có thể áp dụng hình thức này nếu muốn.

Tổng thống Bolsonaro đã bắt đầu thời kỳ cầm quyền của mình đúng như ông đã hứa, cả bằng hình ảnh lẫn hành động: hôn lên cây thập tự và bộ quân phục./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục