Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) ngày 28/8 đã công bố tài liệu mới liên quan tới Chỉ số đổi mới toàn cầu (GII), trong đó đánh giá hai thành phố là Tokyo và Yokohama của Nhật Bản vẫn là cụm khoa học và công nghệ lớn nhất thế giới vào năm 2024, mặc dù các cụm ở những nền kinh tế có thu nhập trung bình đang chứng kiến sự tăng trưởng nhanh nhất trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo.
Báo cáo của WIPO cũng chỉ ra rằng các thành phố Thâm Quyến-Hong Kong-Quảng Châu của Trung Quốc đứng ở vị trí thứ 2, trong khi Bắc Kinh vượt qua Seoul để vươn lên vị trí thứ 3.
WIPO, cơ quan của Liên hợp quốc phụ trách vấn đề cấp bằng sáng chế và đổi mới sáng tạo, cho biết Trung Quốc, năm thứ hai liên tiếp, dẫn đầu với nhiều cụm nhất trong top 100, ở mức 26, tăng 2 cụm, tiếp theo là Mỹ với 20 cụm.
Ấn bản mới của WIPO cũng công bố bảng xếp hạng 100 cụm khoa học và công nghệ hàng đầu hàng năm, sử dụng dữ liệu nộp đơn xin cấp bằng sáng chế và xuất bản khoa học để xác định các hoạt động khoa học và công nghệ hàng đầu thế giới tập trung tại địa phương.
Hai cụm đứng đầu kết hợp lại chiếm gần 20% đơn xin cấp bằng sáng chế được nộp trên toàn cầu, dẫn đầu là tập đoàn Mitsubishi Electric của Nhật Bản và “gã khổng lồ” ngành viễn thông Huawei của Trung Quốc.
WIPO cho biết mặc dù có ít thay đổi trong top 10, nhưng ở phía dưới bảng xếp hạng, các cụm ở các nền kinh tế có thu nhập trung bình đã có mức tăng trưởng mạnh.
Báo cáo nêu rõ các thành phố Hợp Phì và Trịnh Châu của Trung Quốc dẫn đầu với mức tăng trưởng 23% và 19% về sản lượng khoa học và công nghệ, tiếp theo là Cairo với 11%, Chennai với 8% và Istanbul với 8%.
Thành phố Sao Paulo, ở vị trí thứ 73, là cụm duy nhất ở khu vực Mỹ Latinh trong top 100, trong khi Cairo ở vị trí thứ 95 là cụm duy nhất ở châu Phi.
Trong báo cáo, Tổng giám đốc WIPO Daren Tang khẳng định: “Các cụm khoa học và công nghệ đóng vai trò là nền tảng của những hệ sinh thái đổi mới quốc gia mạnh mẽ. Thật đáng khích lệ khi thấy các cụm này phát triển mạnh không chỉ ở trung tâm của những quốc gia công nghiệp hóa mà còn ở các điểm nóng đổi mới mới nổi của những nền kinh tế đang phát triển được lựa chọn"./.
Nhật Bản đầu tư khoảng 3,9 tỷ USD để phát triển công nghệ chip 2nm
Nhật Bản cung cấp khoản hỗ trợ bổ sung lên đến 590 tỷ yen (3,9 tỷ USD) cho tập đoàn Rapidus, với mục tiêu phát triển chip 2nm, nhằm vực dậy ngành công nghiệp bán dẫn của nước này.