Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, số liệu do Chính phủ Hàn Quốc công bố ngày 2/6 cho thấy thặng dư tài khoản vãng lai của nước này đã giảm từ 10,43 tỷ USD hồi tháng Ba - mức cao nhất trong 4 tháng qua - xuống còn 8,14 tỷ USD trong tháng Tư. Đây là tháng thứ 38 liên tiếp nền kinh tế lớn thứ tư châu Á này ghi nhận thặng dư.
Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm nay, thặng dư tài khoản vãng lai của Hàn Quốc đã lên tới 31,59 tỷ USD, vượt xa mức 22,35 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) đã dự đoán con số này của cả năm nay sẽ ở mức 96 tỷ USD.
Về tình hình cán cân thương mại, thặng dư thương mại của Hàn Quốc trong tháng Tư đạt mức kỷ lục 12,56 tỷ USD, so với mức 11,25 tỷ USD của tháng trước đó, và đây là tháng thứ ba liên tiếp chỉ số này gia tăng trong bối cảnh nhập khẩu giảm nhanh hơn xuất khẩu.
Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc dẫn lời Vụ trưởng Thống kê Tiền tệ và Tài chính của BOK Park Seung-hwan nói sự sụt giảm xuất khẩu là do một số nhân tố như giá dầu toàn cầu giảm và lượng sản phẩm dầu xuất khẩu giảm do một số cơ sở sản xuất lớn phải bảo dưỡng thường xuyên, bên cạnh những thay đổi cơ cấu dài hạn.
Ngoài ra, chỉ số giá tiêu dùng của Hàn Quốc trong tháng Năm cũng chỉ tăng 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái và là tháng thứ sáu liên tiếp chỉ số này tăng dưới 1%, làm gia tăng mối lo ngại về tình hình giảm phát.
Theo Cục trưởng Cục thống kê giá của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc Kim Bo-kyoung, mức lạm phát thấp chủ yếu là do giá dầu thô toàn cầu giảm, từ đó ảnh hưởng đến giá của các sản phẩm dầu tinh lọc.
Báo cáo của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc cũng cho thấy chỉ số giá các mặt hàng thiết yếu cho cuộc sống ở Hàn Quốc cũng giảm 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái và đây là tháng thứ năm chỉ số này giảm kể từ năm 1995.
Mặc dù không trông đợi có sự thay đổi lớn trong chỉ số lạm phát, song Bộ Tài chính Hàn Quốc khẳng định sẽ duy trì các biện pháp giữ giá các mặt hàng và dịch vụ liên quan đến giáo dục, y tế và viễn thông có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hàng ngày của người dân./.