Hàn Quốc kỳ vọng gì vào Thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với Mỹ?

BoK cho biết Hàn Quốc và Mỹ quyết định ký kết Thỏa thuận hoán đổi tiền tệ để có thể hoán đổi đồng USD ngay lập tức, nhằm giải quyết "tắc nghẽn" trên thị trường giao dịch bằng đồng USD gần đây.
Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK). (Nguồn: Reuters)

Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 19/3 đã bất ngờ ký kết Thỏa thuận hoán đổi tiền tệ quy mô 60 tỷ USD, thời hạn tối thiểu sáu tháng (đến ngày 19/9/2020) và có thể gia hạn tùy vào tình hình.

Và Hàn Quốc đã trở thành một trong chín quốc gia ký kết Thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với Mỹ trong bối cảnh sự lan rộng của dịch COVID-19 đang tấn công mạnh vào thị trường tài chính toàn cầu.

Theo truyền thông Hàn Quốc, Thỏa thuận hoán đổi tiền tệ Hàn-Mỹ được ký kết sau khi xuất hiện những lo ngại kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào suy thoái do dịch COVID-19 khiến giá trị của đồng nội tệ Hàn Quốc giảm mạnh so với đồng USD.

Ngày 19/3 vừa qua tỷ giá đồng won giảm còn 1.285,7 won/USD, mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ qua.

Thỏa thuận hoán đổi tiền tệ là hình thức trao đổi tiền tệ giữa hai quốc gia trong trường hợp khẩn cấp, có thể bằng đồng tiền của quốc gia đối tác hoặc bằng đồng USD. Đây là lần thứ hai Seoul và Washington ký kết Thỏa thuận hoán đổi tiền tệ kể từ lần ký kết đầu tiên vào ngày 30/10/2008 (thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu) với quy mô 30 tỷ USD trong thời hạn sáu tháng, sau đó gia hạn thêm sáu tháng (tới ngày 1/2/2010).

Hàn Quốc đã ký kết Thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương trị giá 193 tỷ USD với các quốc gia bao gồm Australia, Canada và Trung Quốc cũng như 10 quốc gia thành viên Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

[Hàn Quốc: Hoán đổi tiền tệ với Mỹ giúp ổn định thị trường ngoại hối]

BoK cho biết Hàn Quốc và Mỹ quyết định ký kết Thỏa thuận hoán đổi tiền tệ để có thể hoán đổi đồng USD ngay lập tức, nhằm giải quyết "tắc nghẽn" trên thị trường giao dịch bằng đồng USD gần đây.

Ngoài Hàn Quốc, Fed cũng đã ký kết Thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với ngân hàng trung ương của tám quốc gia khác gồm Brazil, Mexico, Australia, Singapore, Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy và New Zealand. 

Theo Thống đốc BoK Lee Ju-yeol, Thỏa thuận hoán đổi tiền tệ của quốc gia này với Mỹ có ý nghĩa tượng trưng vô cùng quan trọng rằng quốc gia sử dụng đồng tiền chủ chốt trên thế giới là Mỹ đã coi Hàn Quốc là “quốc gia có nền tảng kinh tế vững chắc”, điều này sẽ giúp ổn định thị trường ngoại hối trong nước vốn đang bị ảnh hưởng bởi sự bất ổn tài chính toàn cầu.

Ngay trong ngày 20/3, thị trường đã có những phản ứng tích cực. Đồng won đã phục hồi và được giao dịch ở mức 1.253 won/USD. Giá cổ phiếu cũng bắt đầu đồng loạt tăng trở lại.

Năm 2008, chỉ một ngày sau khi Thỏa thuận hoán đổi tiền tệ Hàn-Mỹ được ký kết, đồng won phục hồi và giá cổ phiếu cũng tăng tới 12%. Có thể nói Thỏa thuận hoán đổi tiền tệ Hàn-Mỹ lần này đã nâng tổng quy mô hoán đổi tiền tệ của Hàn Quốc với các quốc gia lên ít nhất 200 tỷ USD. Với dự trữ ngoại hối đang ở ngưỡng 400 tỷ USD (tính tới cuối tháng 2/2020), quy mô dự trữ USD để đối phó trong trường hợp khẩn cấp của Hàn Quốc đã vượt ngưỡng 600 tỷ USD.

Trong khi đó, giới chuyên gia tài chính Hàn Quốc cho rằng thỏa thuận hoán đổi tiền tệ không phải là “viên đạn bạc” nhưng sẽ giúp ổn định thị trường trên toàn thế giới ở một mức độ nào đó vì vào năm 2008, các thỏa thuận tương tự do Mỹ dẫn đầu đã chứng minh hiệu quả trong việc khôi phục sự bình tĩnh trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Sau đó, BoK và Fed đã ký một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ trị giá 30 tỷ USD (hết hạn vào tháng 2/2010) sau khi được gia hạn hai lần. Có thể nói rằng Thỏa thuận hoán đổi tiền tệ Hàn-Mỹ lần này được kỳ vọng sẽ giúp giảm bớt sự hoảng hốt giữa những người tham gia thị trường và giúp hệ thống tài chính phụ thuộc vào đồng USD của nhiều quốc gia, bao gồm cả Hàn Quốc, tiếp tục hoạt động.

Việc ký kết Thỏa thuận hoán đổi tiền tệ lần này rất đặc biệt đối với Hàn Quốc bởi nó thể hiện tầm quan trọng chiến lược của quốc gia này đối với nền kinh tế Mỹ cũng như vị thế quốc tế của Seoul.

Ngoài ra, cũng phải nhắc đến công sức của Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Hong Nam-ki và Thống đốc BoK Lee Ju-yeol. Thống đốc BoK Lee Ju-yeol cho biết mặc dù Hàn Quốc đã có mức dự trữ ngoại hối cao, song việc đạt được thỏa thuận mới nhất với Mỹ sẽ giúp khôi phục niềm tin của nhà đầu tư và giảm bớt sự bất ổn trên thị trường tiền tệ trong nước.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Kim Yong-beom mô tả thỏa thuận này là một "tấm đệm đáng tin cậy" đồng thời nhấn mạnh thêm Chính phủ có thể thực hiện các biện pháp quyết liệt hơn để ổn định hơn nữa thị trường tài chính. Bên cạnh đó, điều quan trọng đối với tất cả những người tham gia thị trường là “không bị cuốn theo hoảng loạn và giữ bình tĩnh để thoát khỏi cuộc khủng hoảng này."

Theo tờ Korea Herald số ra ngày 20/3, bất chấp sự lạc quan của giới chức tài chính Hàn Quốc, các chuyên gia đã chỉ ra sự khác biệt giữa các tình huống trong năm 2008 và hiện tại, trong đó nhấn mạnh dịch COVID-19 được dự báo sẽ giáng một đòn nặng nề và lâu dài hơn vào thị trường tài chính toàn cầu. Một số người còn bày tỏ lo ngại rằng có thể còn quá sớm để vui mừng vì chưa rõ tác động thực sự của Thỏa thuận hoán đổi tiền tệ Hàn-Mỹ đối với thị trường.

Kim Yu-mi, một nhà phân tích tại Công ty môi giới chứng khoán Kiwoom, nhận định rằng: “Sự thu hẹp khoảng cách giá trị giữa đồng won và USD có thể là một tác động trong ngắn hạn của thỏa thuận đó mà thôi. Để hiệu ứng đó kéo dài xu hướng đồng USD mạnh phải được hạn chế cùng với các dấu hiệu cho thấy sự lây lan của dịch COVID-19 đang dần được kiểm soát. Các ca nhiễm mới ở Mỹ và châu Âu vẫn tiếp tục tăng ở thời điểm hiện tại và những điều không chắc chắn xuất phát từ mối lo về nguy cơ xảy ra suy thoái kinh tế và rủi ro tín dụng vẫn còn."

Nhà phân tích Kim Yu-mi cũng cho biết những tác động từ Thỏa thuận hoán đổi tiền tệ Hàn-Mỹ năm 2008 đã biến mất sau đó một tháng và đồng won đã mất giá so với đồng USD một lần nữa vào giữa tháng 11/2008 với lý do đơn giản là đồng USD vẫn mạnh và những bất ổn thị trường chưa được giải quyết. Bà Kim Yu-mi nhấn mạnh thêm “để mang lại sự ổn định cho thị trường tiền tệ, các dấu hiệu cho thấy dịch COVID-19 đang dần được kiểm soát và các biện pháp cụ thể của Mỹ trong việc xử lý rủi ro khủng hoảng tín dụng đối với các tài sản gặp khó khăn là rất quan trọng ở thời điểm hiện nay”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục