Ngày 3/3, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua dự luật chống tham nhũng vốn từng gây nhiều tranh cãi trong một thời gian dài do lo ngại dự luật này vi phạm các quyền tự do cá nhân đã được hiến pháp quy định.
Được biết đến với tên gọi khác là Dự luật Kim Yong-ran – tên của cựu nghị sỹ Kim Yong-ran, thành viên Ủy ban Quyền dân sự và Chống tham nhũng của Quốc hội Hàn Quốc và là người đệ trình dự luật trên từ tháng 6/2011, dự luật mới được thông qua quy định hình phạt nghiêm khắc hơn với các hành vi tham nhũng của các đối tượng là công chức, nhà báo và giảng viên các trường tư nhân.
Theo đó, các đối tượng trên có thể bị phạt tối đa đến 3 năm tù giam hoặc 5 lần giá trị số tiền hoặc tài sản mà họ đã nhận nếu số tiền hoặc giá trị tài sản tham nhũng trên 1 triệu won (tương đương khoảng 908 USD) bất kể hành vi đó là để đổi lấy ưu đãi hoặc liên quan đến công việc mà họ đang đảm nhiệm. Đối với việc nhận quà tặng “liên quan đến công việc”có giá trị từ 1 triệu won trở xuống, mức hình phạt tối đa sẽ là 5 lần giá trị món quà đó.
Trước đây việc thông qua dự luật trên đã bị trì hoãn do có một điều khoản yêu cầu các công chức phải báo cáo về việc nhận hối lộ của các thành viên trong gia đình khiến những người chỉ trích cho rằng điều này vi phạm quyền tự do của công dân đã được hiến pháp quy định và có thể hủy hoại các mối quan hệ gia đình. Trong khi đó, các nhóm dân sự lại cho rằng điều khoản này sẽ giúp cắt đứt “các chuỗi tham nhũng” và làm cho xã hội Hàn Quốc trở nên minh bạch hơn.
Trước đó, ngày 02/3, đảng cầm quyền Thế giới mới và phe đối lập chính tại quốc hội - Liên minh chính trị mới vì dân chủ (NPAD), đã đồng ý giữ lại điều khoản trên nhưng giới hạn phạm vi áp dụng chỉ với công chức và vợ/chồng của họ mà không áp dụng với các thành viên khác trong gia đình của người công chức, đồng thời quy định dự luật trên chỉ có hiệu lực sau 18 tháng kể từ ngày công bố.
Theo các quy định hiện hành về chống tham nhũng tại Hàn Quốc, các công chức không thể bị trừng phạt vì đã nhận các quà tặng và dịch vụ đắt tiền trừ khi có bằng chứng khẳng định về sự “có đi có lại” giữa người cho và người nhận./.