Ngày 13/1, Trưởng đoàn đàm phán Hàn Quốc Jeong Eun-bo cho biết Hàn Quốc và Mỹ đã đạt tiến triển "ở một mức độ nào đó" trong các cuộc đàm phán để xác định phần đóng góp của Seoul cho lực lượng Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc (USFK).
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, tuyên bố trên được đưa ra tại thời điểm ông Jeong Eun-bo rời Seoul để tới Washington tiến hành thêm một vòng đàm phán nữa với người đồng cấp Mỹ James DeHart.
[Chánh Văn phòng An ninh Quốc gia Hàn Quốc bắt đầu chuyến thăm Mỹ]
Phát biểu trước báo giới ở sân bay quốc tế Incheon, ông Jeong Eun-bo nhấn mạnh: "Chúng tôi đánh giá tiến trình đàm phán đã đạt được tiến bộ ở một mức độ nào đó và chúng tôi đã mở rộng sự hiểu biết của mình thông qua một loạt cuộc đàm phán cho đến nay."
"Chúng tôi sẽ nỗ lực để đạt được thỏa thuận sớm nhất có thể trong phạm vi mà hai bên chấp nhận được, cũng như giảm thiểu bất đồng trong khi góp phần củng cố liên minh Hàn-Mỹ và sức mạnh quốc phòng của mình."
Ngoài ra, trưởng đoàn đàm phán Hàn Quốc còn bày tỏ hy vọng sau cùng có thể đạt được một "thỏa thuận toàn diện" với phía Mỹ.
Các tuyên bố trên được đưa ra sau khi Washington ngụ ý rằng hai bên gần đạt được thỏa thuận về chia sẻ chi phí quốc phòng, vốn được gọi là Thỏa thuận các biện pháp đặc biệt (SMA) đã hết hạn vào cuối năm ngoái.
Tuần trước, Trưởng đoàn đàm phán Mỹ DeHart cho biết tiến trình đàm phán "đang bước vào giai đoạn cuối" và ông "lạc quan" về tiến trình này.
Kể từ năm 1991, Seoul bắt đầu chia sẻ chi phí tài chính duy trì sự hiện diện của USFK tại Hàn Quốc theo SMA, bao gồm các chi phí thuê người Hàn Quốc làm việc cho USFK, xây dựng các cơ sở quân sự và hỗ trợ hậu cần.
Theo thỏa thuận này, năm 2019, Hàn Quốc đóng góp 870 triệu USD, tăng 8,2% so với năm trước.
Từ tháng 9 năm ngoái đến nay, Seoul và Washington đã tiến hành tổng cộng 5 vòng đàm phán.
Theo truyền thông Hàn Quốc, qua nhiều vòng đàm phán, Washington vẫn yêu cầu Seoul tăng mức đóng góp lên gần 5 tỷ USD vào năm tới, song Seoul cho rằng con số này không hợp lý.
Tuy nhiên, hồi tháng trước, ông James DeHart khẳng định những con số này "không phản ánh đúng nội dung" mà hai bên đang đàm phán và con số thực tế mà hai bên thảo luận sẽ rất khác so với mức đề xuất ban đầu của Mỹ.
Trong một diễn biến khác, cùng ngày 13/1, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-hwa đã lên đường sang Mỹ để tham dự Hội đàm Ngoại trưởng Hàn Quốc-Mỹ.
Theo kế hoạch, sự kiện này sẽ được tổ chức tại thành phố San Fracisco vào ngày 14/1 (giờ địa phương). Đây là lần đầu tiên sau hơn 9 tháng Hội đàm Ngoại trưởng Hàn Quốc-Mỹ được tổ chức lại, kể từ lần hội đàm cuối tháng 3 năm ngoái tại Washington.
Dự kiến Ngoại trưởng Kang và người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo sẽ thảo luận phương án phối hợp trong vấn đề Triều Tiên, cũng như thảo luận về việc đàm phán chia sẻ chi phí quân sự cho USFK.
Hai bên dự kiến còn trao đổi về tình hình khu vực Trung Đông xung quanh mâu thuẫn quân sự giữa Mỹ và Iran.
Ngoài ra, điểm thu hút quan tâm là liệu Ngoại trưởng Hàn-Mỹ có thảo luận vấn đề cử quân đội tới eo biển Hormuz hay không khi Mỹ đang yêu cầu các đồng minh cùng tham gia phòng vệ chung tại khu vực này để bảo vệ các tàu thuyền qua đây trong bối cảnh Washington cho rằng Iran đứng sau hàng loạt vụ tấn công tàu chở dầu qua Hormuz hồi tháng Sáu năm ngoái./.