Hàn thử biểu cho mối quan hệ Mỹ-Ấn Độ

Giới hoạch định chính sách Ấn Độ nghĩ rằng khi Ấn Độ trở nên quan trọng hơn trong các lợi ích của Mỹ, Mỹ sẽ sẵn sàng trao cho Ấn Độ nhiều hơn những gì họ đáng nhận lại.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Times of India)

Trang mạng bloomberg.com, Tổng thống Mỹ Donald Trump là người thích các khán giả thụ động, càng đông càng tốt.

Đây cũng là một trong số rất nhiều điểm chung của ông với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ngày 24 và 25/2, hai nhà lãnh đạo đã cùng nhau chia sẻ “đam mê” này.

Trong ngày thứ hai của chuyến thăm chính thức Ấn Độ, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hội đàm song phương với Thủ tướng chủ nhà Narendra Modi tại thủ đô New Delhi.

Hai bên đã ra tuyên bố chung nhấn mạnh xây dựng quan hệ song phương trong các lĩnh vực quốc phòng an ninh, thương mại và năng lượng, khẳng định cam kết tăng cường quan hệ đối tác dựa trên lòng tin và các lợi ích chung.

Theo tuyên bố chung do Bộ Ngoại giao Ấn Độ công bố, hai nhà lãnh đạo cam kết tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu toàn diện Ấn Độ-Mỹ, dựa trên tin cậy lẫn nhau, lợi ích chung, thiện chí và sự tham gia mạnh mẽ của người dân hai nước.

Chuyến thăm không chỉ là cơ hội để 2 chính trị gia ưa tán thưởng hội ngộ và thể hiện trước đám đông, mục tiêu chính sách trong chuyến công du của Tổng thống Trump rất rõ ràng.

Một số quan chức New Delhi kỳ vọng rằng sự kiện này sẽ khích lệ ít nhiều mối quan hệ song phương, nhất là trong bối cảnh ảnh hưởng của Ấn Độ tại Washington ở thời điểm hiện tại không quá đáng kể.

Những tán dương mà ông Modi dành cho Trump đã chọc giận nhiều thành viên đảng Dân chủ. Trong khi đó, ngay cả nhiều thành viên đảng Cộng hòa cũng không mấy thiện cảm với những hành động đầy chia rẽ gần đây của chính phủ Modi.

[Mỹ kiện Ấn Độ lên WTO về tăng thuế hàng hóa nhập khẩu]

Thượng nghị sỹ Lindsey Graham và Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar thậm chí vừa có những tranh luận gay gắt về vấn đề Kashmir tại Hội nghị An ninh Munich.

Địa vị của một nền kinh tế lớn đang trên đà tăng trưởng mạnh của Ấn Độ đã phần nào che đậy được thực tế trên, song lợi thế ấy đang dần sụt giảm.

Quan hệ thương mại song phương cũng suy yếu. Mỹ vừa thông báo Ấn Độ không còn được xem là một quốc gia đang phát triển khi xét đến các quy định thương mại, một thông báo không mấy tốt lành với các nhà xuất khẩu của quốc gia Nam Á này.

Hơn thế nữa, những hy vọng về việc mối quan hệ thương mại có thể gia tốc nhờ chuyến công du của nhà lãnh đạo Mỹ đã bị chính Tổng thống Trump dập tắt khi ông tuyên bố sẽ “để dành” thỏa thuận thương mại lớn cho lộ trình về sau.

Thực tế, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cũng vừa mới hủy bỏ chuyến công du Ấn Độ do không có kỳ vọng đạt kết quả gì từ hoạt động này.

Đã có rất nhiều thứ thay đổi trong vài năm trở lại đây. Những năm sau khi Tổng thống George W. Bush và Thủ tướng Manmohan Singh ký thỏa thuận hạt nhân Mỹ-Ấn, văn bản chính thức công nhận Ấn Độ là một cường quốc hạt nhân, người ta đã rất lạc quan về mối quan hệ song phương.

Tuy nhiên, rất nhiều điều đáng thất vọng gần đây đã khiến kỳ vọng ấy trở nên cay đắng. Thậm chí, hai bên còn có những lời qua tiếng lại đầy tiêu cực nhằm vào đối phương.

Trong bối cảnh ấy, chuyến công du Ấn Độ của Tổng thống Mỹ, dù có thể chẳng đem lại kết quả gì, cũng được xem là một tin tức tốt lành, bởi ít nhất nó vẫn cho thấy hai bên còn đối thoại, và người ta còn có thể tiếp tục hy vọng.

Dù vậy, kỳ vọng chỉ nên được giữ ở mức vừa phải. Một trong những tin tốt rất có thể sẽ là Westinghouse chấp nhận bán các lò phản ứng hạt nhân cho Ấn Độ.

Giới hoạch định chính sách tại Washington suốt một thập kỷ qua vẫn luôn chỉ trích “ván cá cược” lớn của Tổng thống Bush tại Ấn Độ dù thỏa thuận hạt nhân kể trên không hề gây thiệt hại gì cho các doanh nghiệp Mỹ. Có lẽ đã đến lúc người ta nên gác lại những lo ngại này.

Một trong những vấn đề khiến Tổng thống Trump không hài lòng là khoản thuế mà Ấn Độ đánh vào mặt hàng môtô của Harley-Davidson, nội dung đặc biệt nhạy cảm với các cử tri tại 2 bang quan trọng là Wisconsin và Pennsylvania.

Tuy nhiên, giới chức Ấn Độ từng hứa sẽ hạ mức thuế này xuống “một con số.”

Không chỉ vậy, thay vì siết chặt ngân sách quốc phòng, Ấn Độ nhiều khả năng sẽ mua thêm 2 mẫu máy bay trực thăng mới của Mỹ, với tổng chi phí ước tính khoảng 3,4 tỷ USD.

Theo giới quan sát, New Delhi ít nhất muốn thể hiện mong muốn đưa mối quan hệ song phương về trạng thái cân bằng.

Dù vậy, đây thực sự là vụ cược lớn, và không khôn ngoan khi người ta cho rằng Trump có thể là người sẽ khiến những kỳ vọng trở thành hiện thực. Trump luôn công khai tỏ thái độ hoài nghi về các vấn đề thương mại.

Cách tiếp cận của Ấn Độ đối Mỹ luôn dựa trên giả thuyết rằng mối quan hệ này không thể chỉ đơn thuần là một giao dịch có đi có lại.

Giới hoạch định chính sách Ấn Độ nghĩ rằng khi Ấn Độ trở nên quan trọng hơn trong các lợi ích của Mỹ, Mỹ sẽ sẵn sàng trao cho Ấn Độ nhiều hơn những gì họ đáng nhận lại. Tất nhiên, lý thuyết này không hề phù hợp với những gì mà nhà lãnh đạo Mỹ nhìn nhận những mối quan hệ chiến lược “thiếu công bằng”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục