Tối ngày 23/9 đã diễn ra Lễ kỷ niệm 120 năm du lịch Sa Pa, do Ủy ban Nhân dân thị xã Sa Pa (Lào Cai) tổ chức tại sân vận động tại khu vực trung tâm. Chương trình thu hút sự quan tâm của hàng nghìn người dân và khách du lịch.
Với chủ đề “Sa Pa diệu kỳ,” Lễ kỷ niệm mang đến 3 chương, tạo thành một câu chuyện tiếp nối: "Sa Pa kỳ vĩ linh thiêng," "Diệu kỳ miền đất sương mây" và "Sa Pa–Kết nối khát vọng xanh."
[Chạy ‘vượt núi’ Sa Pa trên cung đường ‘siêu Marathon’ dài 100km]
Những màn trình diễn nghệ thuật gây ấn tượng nhờ những màu sắc và họa tiết đặc trưng. Âm nhạc trong chương trình được pha trộn giữa các giai điệu truyền thống như khèn Mông, sáo Mông cùng các chất liệu đặc thù khác của người Tày, Dao Đỏ, Xa Phó, Giáy với giai điệu hiện đại.
200 diễn viên chuyên nghiệp, 400 diễn viên quần chúng đã cùng nhau tạo nên thành công cho 15 cảnh diễn. Sau các hoạt động chính, màn pháo hoa đặc sắc trên hồ Sa Pa cũng là một điểm nhấn thu hút sự chú ý của người dân nơi đây.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường nhắc lại: Cách đây 120 năm, du lịch Sa Pa được khai phá. Đây là sự kiện hết sức quan trọng, là ngày hội của dân nhân các dân tộc của tỉnh Lào Cao, đánh dấu con đường đi lên của du lịch, cũng như dịp báo công Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân 65 năm người lên thăm vùng đất này (tháng 9/1958).
“Qua hơn một thế kỷ hình thành và phát triển với năm mùa xinh đẹp, thành phố trong sương đã được định vị trên bản đồ du lịch của đất nước cũng như bản đồ thế giới, luôn thuộc nhóm những điểm đến hàng đầu của Việt Nam cũng như trong khu vực,” ông Trịnh Xuân Trường khẳng định.
[Sa Pa - Hành trình 120 năm từ Trạm Nghỉ dưỡng đến Khu Du lịch Quốc gia]
Tự hào quảng bá vùng đất của mình có 5 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông và “mùa Yêu,” Sa Pa đặt tiêu chí tiếp tục tỏa sáng, là cầu nối giao lưu của khu vực với quốc tế.
Trong một thời gian dài, vùng đất mù sương này đã xác lập bản sắc bằng những nét đẹp thiên nhiên và văn hóa đậm đà chất riêng, tạo nên sức hấp dẫn tự nhiên để thu hút du khách nước ngoài đến tham quan, trải nghiệm.
Song ở một góc nhìn khác, Sa Pa cần chú trọng nhiều vấn đề để tiếp tục phát triển du lịch đúng hướng. Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định nơi đây cần có những giải pháp tổng thể, đồng bộ trong tổ chức thực hiện quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, để trở thành Khu du lịch Quốc gia.
Từ những định hướng đó, Sa Pa có thể phát triển, giữ gìn, bảo tồn những giá trị văn hóa, thiên nhiên bền vững. Mỗi du khách, người dân đều có thể và cần trở thành một sứ giả du lịch cho vùng đất này. Cùng với đó, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh cơ quan quản lý chú trọng đầu tư cho nhân lực. Mỗi người làm du lịch tại Sa Pa cần có tư duy chuyên nghiệp và bền vững.
Chuỗi chương trình kỷ niệm 120 năm du lịch Sa Pa kéo dài từ ngày 20/9 đến hết ngày 30/9, bao gồm các hội thảo khoa học, hội nghị giữa các đô thị thuộc khu vực Tây Bắc, chương trình trải nghiệm và khám phá Sa Pa bằng Cáp treo Fansipan, trải nghiệm tại làng nghề thổ cẩm Lan Rừng, trải nghiệm khu du lịch Cát Cát, khám phá Artica Valley và Resort Sa Pa, Tu viện Tả Phìn, điểm du lịch cộng đồng Tả Phìn, Đêm hội Trăng rằm nhân dịp Trung Thu, Liên hoan Khiêu vũ Thể thao…/.