Hậu Giang kiểm soát chặt kế hoạch điều chỉnh dự án đầu tư công

Tỉnh Hậu Giang tiếp tục xác định kết quả giải ngân là căn cứ đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của thủ trưởng các đơn vị và cá nhân có liên quan.
Thi công dự án giao thông từ vốn đầu tư công tại thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Trong 6 địa phương Long An, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang và thành phố Cần Thơ thuộc Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 tại một số bộ, cơ quan Trung ương và địa phương của Chính phủ, thì tỉnh Hậu Giang có mức giải ngân cao nhất với tỷ lệ 74,4%.

Tỉnh tiếp tục xác định việc giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong thời gian còn lại của năm 2021, kết quả giải ngân là căn cứ đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của thủ trưởng các đơn vị và cá nhân có liên quan.

Khắc phục khó khăn

Dịch COVID-19 bùng phát tại Hậu Giang từ tháng 7/2021 và diễn biến phức tạp. Tỉnh phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.

Do đó, các nhà thầu không đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 phải tạm thời ngừng triển khai thi công.

Vì vậy, khối lượng thực hiện các công trình xây dựng cơ bản so với cùng kỳ giảm, vốn đầu tư toàn xã hội theo giá hiện hành đạt 17.330 tỷ đồng, bằng 83,7% so với cùng kỳ.

[Nỗ lực cao nhất để giải ngân vốn đầu tư công ở các địa phương]

Cùng với đó, việc giải ngân vốn đầu tư của tỉnh có thời điểm còn chậm do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan đã tồn tại cố hữu từ lâu như: giải phóng mặt bằng, đấu thầu, thay đổi chính sách và quy định, năng lực chủ đầu tư, nhà thầu, việc tránh thanh toán vốn nhiều lần, chờ thanh một lần của chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu...

Bên cạnh cũng do công tác tổ chức triển khai thực hiện tại các ngành và các địa phương của tỉnh còn nhiều bất cập; các cấp, các ngành chưa thực sự vào cuộc, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét.

Cũng như công tác tuyên truyền đến người dân về chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư chưa bảo đảm minh bạch, công bằng, người dân chưa đồng thuận, khiếu kiện về chính sách đền bù, yêu cầu xác định giá bồi thường sát giá thị trường; chưa đủ nền tái định cư để bố trí cho dân khi tiến hành thu hồi đất; công tác đôn đốc nhà thầu triển khai thi công chưa quyết liệt và hiệu quả.

Trong buổi làm việc mới đây của Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 với 6 địa phương gồm: Long An, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang và thành phố Cần Thơ, ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu ra 5 nhóm khó khăn liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 chủ yếu ở khâu hoàn thiện thủ tục đầu tư; thiếu nhân công, tư vấn, chuyên gia; giá nguyên vật liệu xây dựng tăng; nhiều vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Khó khăn về mua, nhập khẩu, vận chuyển máy móc, thiết bị để thực hiện các dự án đầu tư công.

Cũng theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, các dự án khởi công mới phải chờ kế hoạch trung hạn 2021-2025, trong khi đó năm 2021 là năm bắt đầu kế hoạch 2021-2025, các địa phương bố trí khởi công nhiều dự án và triển khai dự án liên vùng, quy mô lớn nên thời gian chuẩn bị dự án đòi hỏi dài hơn. Cơ chế thông báo vốn của địa phương đối với khoản thu từ đất theo hình thức ghi thu, ghi chi dẫn đến không phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đối với khoản thu này.

Phấn đấu đạt 95-100%

Hậu Giang ước đến hết năm 2021, tỉnh sẽ giải ngân vốn đầu tư công đạt 95,5% kế hoạch; trong đó, nguồn vốn cấp tỉnh quản lý đạt 96,7% kế hoạch và nguồn vốn cấp huyện quản lý đạt 93,78% kế hoạch.

Theo ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang, tỉnh đã chủ động triển khai lộ trình của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; đồng thời, tham mưu tỉnh ủy thành lập 10 Tổ công tác chỉ đạo giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.

Cùng với đó, tỉnh kiểm soát chặt chẽ các kế hoạch điều chỉnh dự án đầu tư công, triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu năm 2021, đáp ứng vốn đối ứng cho các dự án ODA, NGO.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải chịu trách nhiệm về công tác giải ngân vốn. Đồng thời, tỉnh thường xuyên ban hành các văn bản chỉ đạo đôn đốc tiến độ, tháo gỡ ngay các vướng mắc mới phát sinh. Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian còn lại của năm 2021, tỉnh sẽ tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra tiến độ các công trình dự án trên địa bàn, phấn đấu đến hết 31/1/2022 giải ngân vốn đầu tư công từ 95-100%.

Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang, phát biểu tại một cuộc họp. (Ảnh: Hồng Thái/TTXVN)

Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang, yêu cầu các chủ đầu tư phải tập trung quyết liệt thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2021, xem đây là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của 2 tháng cuối năm. Theo đó, phấn đấu đến ngày 31/12 phải giải ngân đạt từ 95-100% nguồn vốn được giao đầu năm.

Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung chỉ đạo bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án, đặc biệt là dự án trọng điểm trên địa bàn. Sở Kế hoạch và Đầu tư hoàn chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022.

Cùng với đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách để huy động tối đa các nguồn vốn từ mọi thành phần kinh tế, đẩy nhanh tiến độ sớm đưa các dự án đầu tư vào hoạt động, nhất là các công trình trọng điểm đầu tư công.

Đến 30/11/2021, tỉnh Hậu Giang đã giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 74%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Tổng kế hoạch đầu tư công được Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm của tỉnh là hơn 2.800 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách địa phương hơn 1.600 tỷ đồng, vốn ngân sách Trung ương hơn 1.100 tỷ đồng.

Trong buổi làm việc với 6 tỉnh về giải ngân vốn đầu tư công mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đề nghị các địa phương triển khai nghiêm túc, có giải pháp cụ thể để tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công. Để công tác giải ngân đạt yêu cầu, các địa phương rà soát lại tổng thể danh mục các dự án năm 2021, đồng thời đánh giá kỹ khả năng thực hiện từng dự án. Từ đó kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai, vướng mắc đến đâu xử lý đến đó. Tỉnh Hậu Giang là một trong 4 tỉnh phải giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 đạt tỷ lệ đã cam kết, tối thiểu từ 95%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục