Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa có quyết định chỉ định Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) làm ngân hàng phục vụ dự án Tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam (Dự án VEEIE) và dự án Hạ tầng cơ bản cho sự phát triển toàn diện tỉnh Hà Tĩnh (Dự án BIIG 2) với tổng vốn vay 250 triệu USD do Ngân hàng thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tài trợ.
[VietinBank thực hiện dự án 240 triệu USD nâng cấp đô thị Việt Nam]
Dự án Tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam là từ nguồn vốn vay IDA (nguồn vốn vay ưu đãi dành cho các nước nghèo và kém phát triển của Hiệp hội Phát triển quốc tế thuộc WB) với tổng kinh phí hơn 100 triệu USD.
Còn dự án Hạ tầng cơ bản cho sự phát triển toàn diện tỉnh Hà Tĩnh do ADB cung cấp trị giá 149 triệu USD từ nguồn vốn vay thông thường và vốn vay ưu đãi cho 4 tỉnh trong dự án (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị) trong đó tiểu dự án BIIG 2 tại tỉnh Hà Tĩnh được cấp 44,25 triệu USD vốn vay với thời hạn vay 20 năm.
Việc được chỉ định làm ngân hàng phục vụ cho 2 dự án này đã khẳng định sự tin tưởng của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính đối với HDBank. Bên cạnh đó cũng khẳng định HDBank đủ tiêu chuẩn thực hiện việc giao dịch thanh toán đối ngoại đối với vốn ODA, vốn vay ưu đãi và được cơ quan chủ trì đàm phán điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi lựa chọn để thực hiện các giao dịch thanh toán đối ngoại của chương trình, dự án.
Năm 2015, HDBank tạo dấu ấn khi là ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên được Chính phủ và Bộ Tài chính lựa chọn làm cơ quan cho vay lại chịu rủi ro tín dụng Chương trình hỗ trợ phát triển chính sách cải cách ngành điện giai đoạn 3 (DPL3) vay vốn WB trị giá 128 triệu USD. Năm 2016, HDBank tiếp tục được Bộ Tài chính chỉ định làm cơ quan cho vay lại chịu rủi ro tín dụng Dự án cấp nước Nhơn Trạch Đồng Nai giai đoạn 2 có nguồn vốn vay ODA từ Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) với giá trị khoản vay tương đương 3.000 tỷ đồng.
Đến hết năm 2017, HDBank đã được lựa chọn làm ngân hàng phục vụ 6 dự án sử dụng vốn ODA từ nguồn vốn vay song phương và đa phương, với tổng trị giá vốn quản lý tương đương trên 500 triệu USD như: Dự án Thích ứng biến đổi khí hậu khu vực Đồng bằng sông Mekong vay vốn IFAD; dự án Hiệu quả năng lượng đô thị Hà Nội - Thành phố Hò Chí Minh vay vốn Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW); dự án Trung tâm Ung bướu - Bệnh viện Chợ Rẫy vay vốn Chính phủ Áo; dự án Xây dựng Bệnh viện Bến Tre vay vốn Chính phủ Hàn Quốc; dự án Phát triển Giáo dục giai đoạn 2 vay vốn ADB./.