Hiến pháp tạm thời của Chính phủ Thái Lan có điểm gì mới?

Bản hiến pháp tạm thời của Thái Lan sẽ được công bố nhằm mở đường cho việc thành lập một chính phủ lâm thời, với một thủ tướng được bổ nhiệm.
Người đứng đầu chính quyền quân sự mới ở Thái Lan, Tướng Prayuth Chan-ocha. (Nguồn: THX/TTXVN)

Trong những ngày tới của tháng 7/2014, bản hiến pháp tạm thời của Thái Lan sẽ được công bố nhằm mở đường cho việc thành lập một chính phủ lâm thời, với một thủ tướng được bổ nhiệm.

Trong bản hiến pháp này cũng sẽ có cả điều khoản cho phép cơ quan đại diện của chính quyền quân sự - Hội đồng hòa bình và trật tự quốc gia - được quyền kiểm soát chính phủ lâm thời, đặc biệt trong các vấn đề liên quan tới an ninh. Điều này được giải thích là nhằm tránh lặp lại những sai lầm từng xảy ra ở cuộc can thiệp quân sự lần trước.

Sau cuộc đảo chính năm 1991, chính quyền quân sự được hiến pháp tạm thời lúc đó cho phép kiểm soát chính phủ tạm quyền trong các quyết định liên quan tới an ninh. Hiến pháp tạm thời sau cuộc đảo chính 2006 không hề có điều khoản này và kết quả là tướng đảo chính mất quyền kiểm soát trước khi có thể hoàn thành sứ mệnh loại bỏ hoàn toàn ảnh hưởng của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra và toàn bộ gia tộc của ông ta.

Tất nhiên trong lần này, các tướng lĩnh điều khiển cuộc chơi sẽ không cho phép nhưng sai lầm của năm 2006 được lặp lại. Tuy nhiên, nhiệm vụ khó khăn nhất là việc liệu bản hiến pháp này có được công chúng chấp nhận và phục tùng hay không.

Tờ The Nation của Thái Lan bình luận rằng việc chính quyền quân sự kiểm soát các quyết định của chính phủ lâm thời sẽ làm nảy sinh việc chồng lấn quyền lực bởi sự phân tầng thành ba cấp trong chính quyền, gồm giới quân sự chóp bu, những người được giới quân sự chóp bu lựa chọn để điều hành đất nước và các chuyên gia cũng như các nhà kỹ trị.

Tướng Prayuth Chan-ocha, người thực hiện cuộc đảo chính ngày 22/5 vừa qua, có nhiều khả năng sẽ được lựa chọn làm thủ tướng để đảm bảo việc hoàn thành các mục tiêu mà cuộc đảo chính đề ra. Trong trường hợp này, ông Prayuth sẽ nắm cả vị trí thủ tướng lẫn người đứng đầu chính quyền quân sự.

Ông Prayuth hiện vẫn là Tư lệnh lục quân, nhưng sẽ đến tuổi nghỉ hưu vào cuối tháng 9/2014. Liệu ông có thể kiểm cả ba vị trí là thủ tướng, người đứng đầu chính quyền quân sự và tư lệnh lục quân cùng một lúc hay không?

Nếu trường hợp này xảy ra thì mọi thứ sẽ nằm hoàn toàn trong tầm kiểm soát của quân đội Thái Lan. Trường hợp ngược lại, ông Prayuth chỉ nắm vị trí thủ tướng thì Hội đồng hòa bình và trật tự quốc gia có còn điều khiển chính phủ nữa hay không?

Bản hiến pháp tạm thời sẽ có quy định cụ thể về việc lựa chọn Nội các và các thành viên. Dự kiến Nội các tạm quyền ở Thái Lan sẽ có không quá 36 thành viên.

Ngoài ra, bản hiến pháp tạm thời mới cũng sẽ có cả những điều khoản ân xá cho các thành viên liên quan tới cuộc đảo chính lật đổ chính phủ của bà Yingluck Shinawatra. Bản hiến pháp sẽ cho phép chính quyền quân sự bổ nhiệm một Hội đồng lập pháp gồm 200 người chịu trách nhiệm soạn thảo các văn bản pháp lý và lựa chọn một thủ tướng lâm thời.

Chủ tịch Hội đồng lập pháp, không phải là người đứng đầu chính quyền quân sự, sẽ được quyền lựa chọn thủ tướng lâm thời để đề nghị Hoàng gia Thái Lan phê chuẩn. Việc thành lập Ủy ban cải cách gồm 250 người cũng được quy định trong bản hiến pháp này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục