Hiệp định hòa bình liên Triều: "Lách luật" bằng cách nào?

Trang mạng The National Interest nhận định rằng một hiệp định hòa bình trên bán đảo Triều Tiên có thể sẽ gây ra nhiều thay đổi liên quan đến hiến pháp đối với Hàn Quốc.
(Nguồn: KOLO)

Trang mạng The National Interest ngày 9/7 nhận định rằng một hiệp định hòa bình trên bán đảo Triều Tiên sẽ tạo ra cuộc khủng hoảng liên quan đến hiến pháp đối với Hàn Quốc.

Lý do là một hiệp định hòa bình sẽ cần Hàn Quốc và Triều Tiên thừa nhận sự tồn tại của nhau. Thế nhưng, Hiến pháp Hàn Quốc lâu nay bác bỏ sự tồn tại của Triều Tiên, đồng thời khẳng định chủ quyền đối với toàn bộ bán đảo Triều Tiên.

Vấn đề này được phân tích cụ thể như sau:

Bà Christine Ahn, một nhà hoạt động vì hòa bình và là nhà sáng lập của tổ chức phi chính phủ Women Cross DMZ về tình hình bán đảo Triều Tiên, gần đây nhận định rằng sự xích lại gần nhau giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un xứng đáng để khép lại Chiến tranh Triều Tiên.

Cuộc chiến này kết thúc bằng một thỏa thuận đình chiến chứ không phải một hiệp ước hòa bình. Vì vậy, về mặt pháp lý, tình trạng chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên vẫn tồn tại.

Thế nhưng, lại có 2 rào cản chính khiến cả Triều Tiên và Hàn Quốc khó có thể nhất trí về một hiệp ước hòa bình. Trước hết, về mặt chiến lược, vấn đề lớn nhất là việc tiếp tục tồn tại tình trạng đối đầu quân sự dọc đường phân định quân sự (MDL). Triều Tiên vẫn có khoảng 1 triệu binh sỹ đồn trú gần lãnh thổ biên giới Hàn Quốc. Những người ủng hộ hiệp ước hòa bình cho rằng việc kết thúc chiến tranh sẽ cho phép Triều Tiên cắt giảm quân số tại MDL.

Thế nhưng, do không có sự cắt giảm quân số nào diễn ra trước đó nên khó có thể hình dung được quân đội Hàn Quốc và Mỹ - và các cộng đồng an ninh quốc gia - ủng hộ hiệp ước này. Vậy nên tồn tại vấn đề gai góc kiểu “con gà và quả trứng” liên quan trình tự sự việc ở đây.

Hoặc nếu hiệp định được ký kết và không có sự thay đổi quan điểm chiến lược của mỗi bên thì khi đó hiệp định này cũng chỉ mang tính hình thức. Vì vậy, có thể tốt hơn cả là chờ đợi cho đến khi tình hình chiến lược thực sự trên thực địa cải thiện trước khi hoàn tất một hiệp định. Chỉ khi đó, hiệp định mới thực sự phản ánh những thực tế đã được thay đổi.

Nói tóm lại, khó khăn chính đối với một hiệp định hòa bình là hiệp định này có thể làm rối ren tình hình trên bán đảo Triều Tiên. Bầu không khí nồng ấm hơn trên bán đảo Triều Tiên, bao gồm thỏa thuận nào đó về vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, là điều cần thiết để tạo ra sự cải thiện chiến lược vững chắc trên bán đảo. Nếu không, hiệp định hòa bình có thể chỉ là một thỏa thuận liên Triều thứ hai vốn sẽ “chết” dần theo thời gian.

Thứ hai, về mặt chính trị, một hiệp định hòa bình gây ra mọi hình thức tác động đối với Hàn Quốc mà Chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in phải xử lý. Đây có lẽ là lý do vì sao Chính quyền Moon từ bỏ nỗ lực hồi năm 2018 trong việc thúc đẩy một hiệp định hòa bình và kéo trở lại một thuật ngữ mơ hồ hơn là “chế độ hòa bình” và sau đó một thuật ngữ thậm chí còn mơ hồ hơn nữa là “tuyên bố chấm dứt chiến tranh." Giá trị pháp lý của hai khái niệm nói trên là không rõ ràng.

Một rào cản chính trị dễ thấy là sự phản đối mạnh mẽ của phe chính trị cánh hữu (theo đường lối bảo thủ) ở Hàn Quốc trong việc giảm căng thẳng với Bình Nhưỡng.

Chính quyền Moon lâu nay vươn cánh tay tới Triều Tiên song không hề nỗ lực lắng nghe ý kiến của phe trung hữu. Nếu không có sự chấp thuận của phe chính trị bảo thủ này đối với một hiệp định hòa bình thì nhiều khả năng nếu phe cánh hữu nắm giữ vị trí tổng thống trong cuộc bầu cử tiếp theo thì phe này sẽ hủy hỏ hiệp định hòa bình. Trên thực tế, đây là một mối đe dọa đối với toàn bộ kế hoạch của Moon đối với Triều Tiên, và tình huống kiểu này đã từng xảy ra trước đây với “Chính sách Ánh dương."

[Lịch trình đàm phán Mỹ-Triều sẽ được công bố vào tuần tới]

Từ năm 1998-2008, phe chính trị cánh tả Hàn Quốc, vốn nắm giữ vị trí tổng thống, theo đuổi "Chính sách Ánh Dương" với Triều Tiên. Thế nhưng, phe chính trị cánh hữu lại không được tham gia ý kiến trong nỗ lực thực hiện chính sách này. Khi phe chính trị cánh hữu bảo thủ giành lại vị trí tổng thống trong năm 2008 thì Tổng thống theo đường lối bảo thủ Lee Myung-bak đã bãi bỏ Chính sách Ánh Dương. Điều này có thể lặp lại với Tổng thống Moon.

Một khó khăn chính trị khác đối với hiệp định hòa bình là Hiến pháp Hàn Quốc phủ nhận sự tồn tại của Triều Tiên đồng thời tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ bán đảo Triều Tiên.

Trong khi đó, một hiệp định hòa bình sẽ tuyên bố, ít nhất ám chỉ, hai miền Triều Tiên cần thừa nhận sự tồn tại của nhau. Hiện hoàn toàn không rõ rào cản này lớn ở mức độ nào. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng có thể có cách “lách luật."

Các ý kiến khác cho rằng Tổng thống Moon sẽ phải thay đổi hiến pháp để theo đuổi một hiệp định hòa bình chính thức với Triều Tiên. Do đó, ý tưởng về một “chế độ hòa bình” hay một “tuyên bố chấm dứt chiến tranh” là cách lách luật dễ nhất.

Một hiệp định hòa bình là một ý tưởng gây tò mò. Nếu ông Trump, ông Moon và ông Kim có thể thay đổi tình hình trên thực địa đủ để đảm bảo đạt được một hiệp định thì khi đó hiệp định này sẽ là điều đáng để các bên nỗ lực thực hiện. Tuy nhiên, tình hình chính trị có thể chưa “chín muồi” để làm được điều này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục