Huấn luyện viên Nguyễn Hữu Thắng đã có những nhận định cụ thể về thể lực của đội tuyển Việt Nam trước thềm đợt tập trung AFF Cup 2016.
Một trong những vấn đề luôn xuất hiện trước các đợt tập trung của tuyển Việt Nam là việc tập huấn dài hạn. Ở nhiều đội tuyển quốc gia khác, các đội tuyển chỉ tập trung vài tuần trước mỗi giải đấu lớn. Nhưng với bóng đá Việt Nam, các đội tuyển thường tập trung ít nhất một tháng cho tới hai, ba tháng.
Ở đợt tập trung này, các tuyển thủ phải lên tuyển ngay hôm 24/9, chỉ một tuần sau khi V-League kết thúc. Trước đó, họ đã trải qua chín tháng căng thẳng cùng đội bóng chủ quản ở giải quốc nội.
Giải thích về sự khác biệt này của bóng đá Việt Nam so với thế giới, huấn luyện viên Hữu Thắng phân tích: “Tôi cũng từng là cầu thủ. Tôi hiểu quãng thời gian thi đấu cho câu lạc bộ tại V-League vất vả như thế nào. Cầu thủ cũng có gia đình. Thời gian thi đấu V-League liên tục 9 tới 10 tháng rất vất vả. Tôi cũng muốn sau đấy, họ có thời gian nghỉ ngơi với gia đình.”
“Nhưng nền bóng đá Việt Nam không so được với bóng đá quốc tế. Người ta là cầu thủ chuyên nghiệp, có đầy đủ hệ thống bác sỹ, giáo án huấn luyện. Họ nghỉ ngày nào, họ sẽ tự tập ngày ấy. Họ rất tuân thủ giáo án vì họ sợ mất phong độ. Mất phong độ là mất vị trí, mất tiền lương, giảm mọi thứ. Khi họ kết thúc một mùa giải, công tác hồi phục thể lực của họ rất tốt. Những cái đó, Việt Nam mình không có.”
“Còn cầu thủ Việt Nam sau V-League, tôi cũng muốn cầu thủ được nghỉ hai tuần. Tôi nói thật là khi vừa đá xong V-League, cầu thủ rất chán bóng đá. Chúng ta phải điều chỉnh sao để khi họ trở lại, họ lại thấy thèm bóng đá.”
“Nhưng hai tuần đó mà cho họ thả lỏng hết cỡ thì lúc tập trung đội tuyển, tất cả cầu thủ phải làm lại khâu thể lực từ đầu. Cầu thủ Việt mà nghỉ như thế thì mất hết nền tảng cơ bản về thể lực. Tôi không muốn cầu thủ của tôi như vậy.”
“Để cải thiện điều đó, tôi sẽ cho họ dự nhiều hơn các hoạt động từ thiện bên ngoài, như thăm trường dành cho trẻ khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu để họ giải tỏa tâm lý. Họ sẽ biết rằng cuộc sống còn nhiều người khó khăn hơn họ. Từ đó, họ sẽ tự cân bằng về tâm lý, họ sẽ hiểu trách nhiệm của mình với đội tuyển và với xã hội.”
Cũng với lý do tương tự, huấn luyện viên Hữu Thắng đã đề nghị VFF tạo điều kiện cho U22 Việt Nam có cơ hội thi đấu dịp cuối năm: “Đội tuyển tập trung trùng với thời gian U22 Việt Nam tham dự BTV Cup. Vì thế, tôi muốn các cầu thủ không được đá chính ở đội tuyển tham dự BTV Cup và có thể cả giải U21 quốc tế Báo Thanh niên. Họ chắc chắn sẽ là những cái tên nòng cốt cho SEA Games năm sau. Nếu họ lên tuyển mà không được thi đấu thì không tốt cho họ. Vì vậy, tôi đã đề nghị VFF cho họ dự BTV Cup để khi tập trung SEA Games năm tới, họ có thêm kinh nghiệm.”/.