Hơn 40 năm qua, người dân Hà Nội nói riêng, du khách trong và ngoài nước đã từng đến Bờ Hồ đều nhìn thấy một hình ảnh quen thuộc, đó là bức tranh vẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh đang tươi cười bế một em bé, trên nền chim hòa bình ngậm cành ôliu… được treo trên nóc Nhà Thông tin Thành phố Hà Nội (số 93 Đinh Tiên Hoàng).
Nhưng có lẽ, ít người biết về tác giả của bức tranh giàu ý nghĩa này - họa sỹ Trần Từ Thành, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Việt Nam.
Biểu tượng cho ước mơ hòa bình
Bức tranh cổ động thể hiện hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đang tươi cười bế một em bé trên nền chim hòa bình ngậm cành ôliu. Nét vẽ chim bồ câu được họa sỹ Trần Từ Thành cách điệu theo hình chữ S của bản đồ Việt Nam.
Tranh có màu sắc đơn giản, bố cục chặt chẽ mang thông điệp về niềm khát khao hòa bình và đoàn kết dân tộc. Bên dưới bức tranh đề dòng chữ “Độc lập - Thống nhất - Hòa bình - Hạnh phúc." Sau này, nhiều người vẫn thường gọi tên bức tranh này là “Bác Hồ với thiếu nhi.”
Nói về ý tưởng vẽ bức tranh này, họa sỹ Trần Từ Thành kể năm 1975, khi đất nước thống nhất, hòa cùng niềm vui chung của dân tộc, ông nghĩ đến việc phải vẽ một tác phẩm có ý nghĩa để ghi lại thời khắc lịch sử trọng đại của toàn dân tộc.
Trong quá trình tìm kiếm đề tài, ông nhớ đến Bác Hồ - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, Người luôn dành tình cảm sâu nặng, chân thành nhất cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là với các cháu thiếu niên và nhi đồng… Và thế là, ông đã lựa chọn hình ảnh Bác Hồ với trẻ thơ làm đề tài cho mạch cảm xúc của mình.
Ngay khi có ý tưởng, đề tài, ông lập tức bắt tay vào vẽ và hoàn thành bức tranh trong một thời gian ngắn. Trong tranh, hình ảnh cánh chim bồ câu ngậm cành ôliu - biểu tượng cho hòa bình đã được ông vẽ cách điệu thành bản đồ Việt Nam hình chữ S, mắt chim là biểu tượng của Thủ đô Hà Nội - Thủ đô vì hòa bình.
Chân dung Bác Hồ cùng em bé trong tranh là biểu tượng của tương lai tươi sáng mãi mãi cho dân tộc Việt Nam.
[Khai mạc triển lãm '50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh']
Bức tranh cổ động này được ông hoàn thành đúng vào dịp Quốc khánh năm 1975. Nhưng phải đến năm 1976, tác phẩm mới lần đầu ra mắt công chúng trong Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc tại Trung tâm triển lãm Vân Hồ (Hà Nội).
Đó là triển lãm tranh đầu tiên sau khi đất nước thống nhất, có sự tham gia của họa sỹ khắp 3 miền Bắc-Trung-Nam, với khoảng hơn 2.000 tác phẩm được trưng bày.
Sau triển lãm, bức tranh cổ động của họa sỹ Trần Từ Thành được Ban Tổ chức trao giải Nhì, được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xuất bản, phát hành 5 vạn tờ trên toàn quốc, được sử dụng trong đợt tuyên truyền cho Tổng tuyển cử năm 1976.
“Lúc đầu, trên bức tranh, tôi ghi chữ ‘1976.’ Sau đó, Xưởng tranh cổ động Trung ương có trao đổi, đề nghị nên viết thêm chữ vào để người dân dễ hiểu, tôi đã viết thêm dòng chữ ‘Độc lập - Thống nhất - Hòa bình - Hạnh phúc’ vào trong bức tranh,” họa sỹ Trần Từ Thành nhớ lại.
Năm 1978, bức tranh cổ động của họa sỹ Trần Từ Thành được thành phố Hà Nội in khổ lớn 8 m2 và treo trên nóc Nhà Thông tin Thành phố Hà Nội, ngã tư giao nhau giữa phố Tràng Tiền và Đinh Tiên Hoàng.
Cho đến nay, qua hơn 40 năm, bức tranh cổ động giàu ý nghĩa đó đã đi vào tiềm thức của người dân cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng, thành biểu tượng cho ước mơ hòa bình.
Ghi nhớ lời Bác dạy
Họa sỹ Trần Từ Thành tâm sự, quê ông ở ven sông Ngàn Phố (Hà Tĩnh), trải qua hai cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do cho dân tộc, gia đình ông đã phải chịu nhiều mất mát, đau thương.
Từ khi còn nhỏ đến thời niên thiếu, rồi trưởng thành, những câu chuyện về Bác Hồ luôn mang đến tình cảm, niềm xúc động lớn đối với ông. Trải qua thời gian, những câu chuyện về Bác và các cháu thiếu nhi mà ông được nghe thầy cô, người thân kể lại vẫn còn nguyên giá trị.
Sau này, có dịp được gặp Bác Hồ, ông càng cảm nhận rõ hơn về tình cảm, sự ấm áp của Người với mọi tầng lớp nhân dân. Chính vì vậy, ngoài bức tranh cổ động “Độc lập - Thống nhất - Hòa bình - Hạnh phúc” nổi tiếng, họa sỹ Trần Từ Thành còn vẽ nhiều bức tranh có chủ đề về Bác Hồ.
Có thể kể đến bức tranh lụa “Bác đi chiến dịch ở Việt Bắc" với hình ảnh Bác Hồ cưỡi ngựa, hiện được Bảo tàng Lịch sử Quốc gia lưu giữ.
Tác phẩm tranh sơn mài “Nhật ký Khuổi Nậm” - vẽ Bác Hồ bên dòng Khuổi Nậm (Cao Bằng), bức tranh sơn dầu “Ngày về” vẽ hình ảnh Bác Hồ bên cột mốc 108 ở Cao Bằng trong ngày đầu tiên Bác trở về nước…
Họa sỹ Trần Từ Thành chia sẻ, dù sáng tác rất nhiều nhưng bức tranh cổ động “Độc lập - Thống nhất - Hòa bình - Hạnh phúc” vẫn là bức tranh thành công nhất trong cuộc đời làm nghệ thuật của ông. Không có gì vui hơn khi thấy tác phẩm của mình trở thành hình ảnh quen thuộc ở góc phố lớn tại trung tâm Thủ đô Hà Nội như vậy.
“Hàng năm, vào dịp sinh nhật Bác (19/5) và ngày Quốc khánh (2/9), tôi vẫn đến ngã tư này, ngắm nhìn tác phẩm của mình. Nhìn những dòng người đi qua lại ở ngã tư, ngay bên dưới tác phẩm của mình, nhiều du khách nước ngoài còn dừng lại chụp ảnh lưu niệm..., lòng tôi lại dâng lên niềm vui và cả sự tự hào. Đó là động lực để tôi tiếp tục sáng tác những tác phẩm hội họa sau này,” họa sỹ Trần Từ Thành nói.
Những năm qua, nhiều nhà sưu tập trong nước và quốc tế đã tìm đến ông hỏi mua bản gốc của bức tranh cổ động “Độc lập - Thống nhất - Hòa bình - Hạnh phúc,” nhưng ông đều từ chối, bởi với ông, bức tranh đó là kỷ vật thiêng liêng trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình.
Mới đây, trong đợt tuyên truyền 50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh và kỷ niệm 129 năm Ngày sinh của Bác (1890-2019), họa sỹ Trần Từ Thành đã trao tặng bản gốc bức tranh cổ động cho Bảo tàng Hồ Chí Minh với mong muốn bản gốc bức tranh sẽ được Bảo tàng lưu giữ thật tốt, để lưu lại tinh thần yêu chuộng hòa bình, yêu tự do, chăm lo cho thế hệ tương lai mà Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn mong muốn.
“Bức tranh được hình thành có một phần ý tưởng từ trong Di chúc của Bác Hồ. Trong Di chúc, Bác nhắc đến thanh niên, thiếu niên, nhi đồng, nhắc đến hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước… Vì vậy, khi có ý định sáng tác tranh, tôi nhớ đến Di chúc của Bác và thể hiện một phần mong muốn của Bác trong đó,” họa sỹ Trần Từ Thành cho biết./.