Nghiên cứu khoa học của Mỹ công bố ngày 23/7 cho biết áp dụng phương pháp hóa trị cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối dường như đem lại kết quả không như mong muốn cho bệnh nhân.
Các nhà khoa học đã tiến hành khảo sát đối với hơn 300 bệnh nhân có khối u ác tính đã di căn và ở giai đoạn cuối của bệnh.
Khoảng 50% trong số bệnh nhân nói trên đã được điều trị theo phương pháp hóa trị, theo đó bệnh nhân sẽ được truyền hóa chất vào cơ thể để phá hủy những tế bào ung thư và giảm kích thước của khối u.
Hầu hết bệnh nhân được chọn khảo sát đều là nam giới, tuổi trung bình là 59 và tiên lượng chỉ còn sống khoảng 4 tháng. Mục đích của nghiên cứu là khảo sát hiệu quả thực sự của phương pháp hóa trị đối với bệnh nhân giai đoạn cuối, đặc biệt khi họ không còn khả năng tự vận động.
Dựa trên những tiêu chí đánh giá cả về thể trạng và tinh thần trong những tuần cuối đời của bệnh nhân, các chuyên gia kết luận rằng áp dụng phương pháp hóa trị không giúp nâng cao chất lượng sống của các bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối.
Trong khi đó, đối với những bệnh nhân vẫn có khả năng tự phục vụ những nhu cầu tối thiểu của bản thân, điều trị hóa chất lại khiến cuộc sống của họ trở nên tồi tệ hơn do phải chịu các tác dụng phụ là cơ thể suy nhược, buồn nôn, chán ăn, rụng tóc...
Với kết quả này, các nhà khoa học khuyến cáo các bác sỹ cân nhắc áp dụng liệu pháp hóa trị đối với các bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối trên nền tảng đề cao tiêu chí chất lượng cuộc sống, thay vì kéo dài sự sống trong đau đớn.
Công trình được công bố trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ (JAMA)./.