Ngày 27/12, tại buổi họp báo của Bộ Công an thông báo tình hình, kết quả công tác Công an năm 2023, đại diện các đơn vị của Bộ Công an đã trao đổi về những giải pháp ngăn chặn tình trạng chống người thi hành công vụ.
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ đã thông báo với đại diện các cơ quan báo chí nội dung cơ bản của Hội nghị Công an Toàn quốc lần thứ 79 đang diễn ra.
Thứ trưởng nêu rõ năm 2023, mặc dù tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; tình hình trong nước có nhiều khó khăn, thách thức, đặt ra nhiều yêu cầu mới, nhiệm vụ mới, lực lượng Công an Nhân dân đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh trật tự, ổn định chính trị xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Theo báo cáo của Bộ Công an, để có được những kết quả đó cũng có những sự hy sinh, mất mát.
Năm 2023, có 14 cán bộ, chiến sỹ Công an Nhân dân hy sinh, 142 đồng chí bị thương trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, trong đó có những trường hợp do hậu quả của hành vi chống người thi hành công vụ.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về các giải pháp ngăn chặn tình trạng chống người thi hành công vụ trong thời gian tới, Thiếu tướng Phạm Quang Tuyển, Phó Cục trưởng Cục Tổ chức Cán bộ cho biết đây là vấn đề lãnh đạo Bộ Công an rất quan tâm.
"Hiện nay và trong thời gian tới, chúng tôi tham mưu cho lãnh đạo Bộ các giải pháp cụ thể để ngăn chặn tình trạng này" - Thiếu tướng Phạm Quang Tuyển cho biết.
Cụ thể, Bộ Công an tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, phổ biến, giáo dục cho người dân, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, từ đó hạn chế hành vi vi phạm pháp luật nói chung và hành vi chống người thi hành công vụ nói riêng; kiên quyết xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội đối với các đối tượng có hành vi chống người thi hành công vụ.
Thiếu tướng Phạm Quang Tuyển nhấn mạnh Bộ Công an sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật về cơ chế bảo vệ cán bộ, chiến sỹ trong thực thi nhiệm vụ được giao; tạo hành lang pháp lý bảo vệ đội ngũ cán bộ, chiến sỹ tâm huyết, có trách nhiệm với công việc, quyết tâm đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, gian khổ, thử thách; tăng cường tuyên truyền, xây dựng hình ảnh đẹp về người cán bộ, chiến sỹ Công an Nhân dân; phản bác, bảo vệ hình ảnh cán bộ, chiến sỹ Công an Nhân dân trong từng vụ việc phức tạp, nhạy cảm, thu hút dư luận quan tâm.
Cấp ủy, thủ trưởng Công an đơn vị, địa phương trang bị đầy đủ trang, thiết bị, vũ khí, công cụ hỗ trợ cho cán bộ trong khi làm nhiệm vụ, nhất là lực lượng trực tiếp đấu tranh, phòng, chống tội phạm; làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, khả năng tự bảo vệ của cán bộ, chiến sỹ Công an Nhân dân, tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, truyền thống; nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, ý thức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, tác phong, lề lối làm việc; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, thực hiện tốt công tác quản lý cán bộ, đẩy mạnh công tác bảo vệ chính trị nội bộ; xử lý nghiêm minh hành vi sai phạm, tham nhũng, tiêu cực.
Trả lời thêm về vấn đề này, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an), cho biết Bộ đã hoàn thành dự thảo, báo cáo Chính phủ đề nghị Quốc hội sửa đổi Luật Quản lý, Sử dụng Vũ khí, Vật liệu Nổ và Công cụ Hỗ trợ. Trong đó, đề xuất bổ sung nội dung “dao có tính sát thương cao” vào danh mục vũ khí thô sơ, nhằm ngăn chặn, xử lý các nguy cơ tiềm ẩn gây mất an ninh trật tự.
Theo Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, qua tổng kết 5 năm thực hiện Luật và thực tế cho thấy tình hình tội phạm sử dụng các loại dao gây án chiếm tỷ lệ rất cao.
Có nhiều vụ, đối tượng hình thành băng ổ nhóm, hoán cải dao thành những vũ khí nhọn, sắc có tính sát thương rất cao, gây bức xúc dư luận xã hội, hoang mang, lo lắng trong nhân dân.
“Việc đưa dao vào quy định là công cụ trong nhóm vũ khí thô sơ cũng là một trong những biện pháp quản lý dao, điều chỉnh hành vi của mọi người khi sử dao, trên cơ sở đó hạn chế việc sử dụng công cụ phương tiện này để chống người thi hành công vụ, đe dọa đời sống, an ninh, an toàn của người dân," Thiếu tướng Phạm Công Nguyên khẳng định./.