Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Đức nhân 5 năm ngày Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ở La Haye (Hà Lan) ra phán quyết về vấn đề Biển Đông, Tiến sỹ Gerhard Will, chuyên gia về Biển Đông từng làm việc tại Viện Khoa học và Chính trị Đức, nhấn mạnh phán quyết của PCA đã bác bỏ một cách dứt khoát các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, phán quyết có cơ sở pháp lý vững chắc và có giá trị lớn trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.
Tiến sỹ Gerhard Will cho rằng phán quyết đã làm rõ nhiều vấn đề trong tranh chấp trên Biển Đông và đã được đại đa số cộng đồng quốc tế công nhận.
Theo ông, để ngăn chặn các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế tiếp tục diễn ra trên Biển Đông, cộng đồng quốc tế cần mạnh mẽ ủng hộ phán quyết, đồng thời yêu cầu bên vi phạm tuân thủ phán quyết này.
[Các học giả quốc tế nêu bật vai trò của UNCLOS tại Biển Đông]
Đánh giá về tình hình Biển Đông thời gian qua, Tiến sỹ Gerhard Will nêu rõ việc Trung Quốc tiếp tục gia tăng các hoạt động quân sự hóa trên các đảo ở Biển Đông cùng những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế khác là nguyên nhân gây ra căng thẳng trong khu vực.
Về quan điểm của Liên minh châu Âu (EU) đối với tranh chấp ở Biển Đông, Tiến sỹ Gerhard Will nhận định các chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương do EU và các nước thành viên đầu tàu như Đức, Pháp, Hà Lan theo đuổi cho thấy châu Âu không chỉ coi Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là một khu vực quan trọng về mặt kinh tế mà còn thể hiện sự quan tâm lớn tới tình hình chính trị và an ninh khu vực.
Ngày 12/7, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết bình luận của Việt Nam nhân dịp 5 năm PCA ra phán quyết cuối cùng về vấn đề Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: "Lập trường của Việt Nam về việc giải quyết các tranh chấp liên quan ở Biển Đông là rõ ràng và nhất quán, theo đó Việt Nam luôn ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán ở Biển Đông thông qua các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực và bằng các giải pháp, biện pháp hòa bình phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (Công ước).
Với tư cách là quốc gia thành viên Công ước và quốc gia ven Biển Đông, Việt Nam đề nghị tất cả các bên liên quan tôn trọng và thực thi đầy đủ các nghĩa vụ pháp lý của mình được quy định trong Công ước, cùng nhau hợp tác, đóng góp tích cực, thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không và trật tự ở Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế"./.