Học sinh Hà Nội hào hứng với phong trào thu gom vỏ hộp giấy

Sau hai năm triển khai, chương trình "Tái chế học đường" đã tạo thói quen thu gom, sắp xếp vỏ hộp sữa gọn gàng để đem đi tái chế cho hàng trăm nghìn học sinh tiểu học Hà Nội.
Học sinh thu gom vỏ hộp sữa. (Ảnh: PV)

Làm bẹp vỏ hộp sữa sau khi uống xong và thu gom, xếp gọn gàng ngăn nắp vào một bao lớn và tập kết vào một góc để đem đi tái chế đã trở thành công việc hàng ngày của học sinh Trường Tiểu học Dịch Vọng B từ năm học 2019-2020 tới nay.

“Các em được hiểu được ý nghĩa của chương trình đó là thu gom vỏ sữa để có thể sử dụng vào mục đích tái chế, nhất là giảm thiểu lượng rác thải sinh hoạt của Thỏ đô. Từ đó hình thành ý thức, trách nhiệm của mỗi em với vấn đề bảo vệ môi trường bắt đầu từ những việc nhỏ nhất hàng ngày.”

Đó là chia sẻ của thầy Nguyễn Văn Quyết, Tổng phụ trách Trường Tiểu học Dịch Vọng B về chương trình “Tái chế học đường”. Chương trình do Công ty Tetra Pak phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội và một số đơn vị tổ chức từ năm học 2019-2020.

Thu gom hàng trăm tấn hộp giấy

Với chương trình “Tái chế học đường,” các em học sinh được hướng dẫn cách xử lý vỏ hộp sữa sau khi uống như cho ống hút vào trong hộp, làm bẹp, dán kín miệng hộp và bỏ vào đúng nơi quy định. Vỏ hộp sau đó sẽ được thu gom và tái chế thành các vật dụng hữu ích khác.

Vỏ hộp sữa được học sinh làm bẹp sau khi uống và xếp lại gọn gàng. (Ảnh: PV)

Sau hai năm triển khai, chương trình đã tạo thói quen thu gom vỏ hộp cho khoảng 800.000 học sinh trên địa bàn Thủ đô. Để tạo sự hứng thú cho học sinh, trong khuôn khổ chương trình, ban tổ chức đã phát động nhiều cuộc thi như “Trường bé gom nhiều hộp giấy nhất” và trao thưởng cho các trường có lượng vỏ hộp giấy thu gom cao nhất; “Góc thu gom sạch đẹp” dành cho các ý tưởng gấp và sắp xếp vỏ hộp sáng tạo, tiết kiệm không gian, trang trí và giữ gìn vệ sinh khu vực thu gom vỏ hộp ngăn nắp, gọn gàng nhất; “Nhà hùng biện tài ba” để các em học sinh tiểu học chia sẻ suy nghĩ của mình về việc phân loại rác tại nguồn tại nhà trường và gia đình.

Mới đây nhất, tháng 11/2020, cuộc thi “Cùng bé thu gom vỏ hộp giấy” được phát động và đã nhanh chóng thu hút sự tham gia của học sinh. Chỉ sau hai tháng, số vỏ hộp thu về từ cuộc thi đã đạt 125 tấn.

Học sinh tự thu gom vỏ hộp sữa của toàn trường xếp vào các bao tải lớn. (Ảnh: PV)

Năm học 2019–2020, chương trình “Tái chế học đường” đã thu gom được 269 tấn vỏ hộp sữa, tương đương với gần 27 triệu vỏ hộp giấy để đưa đi tái chế.

“Mục tiêu của chúng tôi khi phát động chương trình là xây dựng thói quen phân loại và thu gom rác thải ngay tại nhà và trường học, đồng thời nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho các em học sinh,” bà Lý Quỳnh Trang, Giám đốc phụ trách Bền vững của Tetra Pak Việt Nam nói.

Cũng theo bà Trang, 100% vỏ hộp giấy được thu gom từ cuộc thi sẽ được tái chế thành các sản phẩm hữu ích khác như tấm lợp sinh thái, sổ tay, túi giấy…

Thay đổi nhận thức của học sinh

Theo thầy Nguyễn Văn Quyết, chương trình “Tái chế học đường” với hoạt động cụ thể là thu gom vỏ hộp sữa là một hoạt động rất ý nghĩa khi giúp học sinh hiểu được ý nghĩa của việc thu gom rác sinh hoạt để tái chế, hình thành thói quen tốt và ý thức bảo vệ môi trường. Vì thế, chương trình được toàn thể học sinh, phụ huynh và giáo viên nhà trường hưởng ứng nhiệt liệt.

Vỏ hộp được đưa về góc tập kết chung của cả trường. Điểm tập kết cũng được trang trí đẹp và sắp xếp gọn gàng. (Ảnh: PV)

Cũng theo thầy Quyết, trong quá trình thực hiện thu gom, học sinh đã nắm được tất cả những bước thực hành tái chế. Chính trong những hoạt động này, các em đã tự ý thức được trách nhiệm của mình đối với xã hội và môi trường, biết tham gia lao động công ích. "Việc các em trực tiếp tham gia vào các hoạt động thu gom đã đem lại những hiệu quả nhất định, đó chính là sự thay đổi tích cực trong nhận thức của các em học sinh với nghĩa vụ bảo vệ môi trường. Từ khi áp dụng chương trình thu gom vỏ sữa học đường, lượng rác thải hàng ngày của các học sinh đã giảm thiểu đi rất nhiều,” thầy Quyết chia sẻ.

Em Nguyễn Thế Phong, học sinh Trường Tiểu học Dịch Vọng B cho hay nếu không có chương trình thu gom vỏ hộp để tái chế, học sinh sẽ vứt hết vỏ hộp vào thùng rác, thậm chí có thể không vứt đúng nơi quy định. “Trường thu gom thì rác sẽ được mang đi tái chế, vừa giảm ô nhiễm môi trường vừa biến rác thành vật dụng hữu ích. Việc phối hợp cùng nhau trong quá trình thu gom vỏ hộp cũng giúp các bạn đoàn kết hơn và giảm bớt đi lượng rác thải,” Phong chia sẻ.

[Sẽ xây dựng Trung tâm quốc tế về rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam]

Học sinh Nguyễn Hiền Anh Thư tỏ ra rất hào hứng với việc thu gom: “Đó là một hành động hữu ích cho các bạn học sinh biết bảo vệ môi trường. Qua việc thu gom và tái chế vỏ sữa ở trường, ở nhà sau khi uống, em giải thích cho bố mẹ việc làm của mình và gia đình đã nhiệt tình làm theo.”

Việc thực hành thu gom vỏ hộp sữa để tái chế đã giúp học sinh hình thành ý thức về bảo vệ môi trường. (Ảnh: PV)

Việc thu gom vỏ hộp giấy không chỉ được triển khai ở các trường tiểu học mà cả ở bậc mầm non. Cô Nguyễn Thị Như Quỳnh, Phó Hiệu trưởng trường mầm non Hoa Hồng cho biết khi bắt đầu triển khai chương trình sữa học đường, trường thấy rất khó khăn về việc để rác thải. Chương trình "Tái chế học đường" đã giúp trường giải quyết được vấn đề này. Đặc biệt việc thu gom vỏ hộp cũng là một bài học thực tế về kỹ năng sống, ý thức bảo vệ môi trường, rèn luyện sự cẩn thận, khéo léo cho học sinh mầm non.

“Các bạn mẫu giáo lớn đã có kỹ năng hơn rất nhiều, có thể tự làm bẹt vỏ hộp sữa theo đúng hướng dẫn của cô giáo, đút ống hút vào bên trong hộp. Có lớp, các con còn cùng cô giáo mang vỏ hộp của cả lớp xuống tận điểm tập kết thu gom của trường,” cô Quỳnh cho hay.

Cũng theo cô Quỳnh, từ ý nghĩa thiết thực của chương trình "Tái chế học đường," nhà trường rất mong muốn không chỉ dừng lại ở thu gom, tái chế vỏ hộp sữa mà tất cả các rác thải trong nhà trường sẽ được thu gom, phân loại và tái chế hợp lý.

Quyết định 1340 của Thủ tướng phê duyệt chương trình sữa học đường giai đoạn 2016-2020 nên bắt đầu từ năm 2021, chương trình sữa học đường đã tạm dừng triển khai. Tuy nhiên, chương trình Tái chế học đường vẫn đang được triển khai ở các nhà trường với các vỏ hộp sữa trong bữa ăn phụ của học sinh. Theo lãnh đạo các trường, chương trình sữa học đường tạm dừng nhưng chương trình Tái chế học đường sẽ vẫn tiếp tục trong chính ý thức về phân loại và tái chế rác thải, bảo vệ môi trường mà chương trình "Tái chế học đường" đã hình thành trong các học sinh và cả đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý trường học./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục