Thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đơn vị này vừa cấp cứu, điều trị cho một học sinh lớp 9 bị chóng mặt, nôn ói, có ảo giác sau khi hút cỏ Mỹ (chất gây nghiện).
Bác sỹ cảnh báo nguy cơ cỏ Mỹ và các chất gây nghiện trôi nổi xâm nhập học đường, đầu độc học sinh.
Chiều 16/5, em T.H.L (15 tuổi, học sinh lớp 9 một Trường Trung học Cơ sở trên địa bàn quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh) được người dân đưa đến Bệnh viện Nhi đồng thành phố cấp cứu.
[Báo động tình trạng lạm dụng chất gây nghiện trong học sinh, sinh viên]
Theo lời kể của học sinh, trước đó, em mua một loại chất màu xanh, được giới thiệu là cỏ Mỹ của một người quen ở công viên gần trường học với giá 20.000 đồng.
Khoảng 13 giờ 30 phút ngày 16/5, em cùng bạn bè uống nước tại quán càphê ở phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân thì đưa cỏ Mỹ ra hút.
Sau hút khoảng 10 phút, em cảm thấy tim đập nhanh, cơ thể tê dại, xuất hiện ảo giác, chóng mặt, nôn ói liên tục...
Thấy tình trạng học sinh xấu dần, những người xung quanh đã gọi xe cấp cứu đưa đến Bệnh Viện Nhi đồng thành phố.
Bác sỹ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố, cho biết lúc nhập viện, bệnh nhân bắt đầu tỉnh táo dần, tiếp xúc tốt, có phản xạ, giảm nôn ói, giảm đau đầu.
Các bác sỹ đã truyền dịch tăng thải, theo dõi sát chức năng các cơ quan.
Sau 2 ngày, bệnh nhân tỉnh táo dần, xét nghiệm cần sa nước tiểu âm tính. Các bác sỹ đã khám, can thiệp tâm lý thêm cho bệnh nhi và gia đình.
Theo bác sỹ Nguyễn Minh Tiến, cỏ Mỹ là một chất ma túy tổng hợp, không có nguồn gốc tự nhiên, không phải cần sa.
Hoạt chất chính trong cỏ Mỹ là XLR-11, khi sử dụng sẽ gây ảo giác mạnh, loạn thần, giãn đồng tử, kích động, căng thẳng, có thể có những tư tưởng cực đoan gây hại cho mình và người khác.
Khả năng gây nghiện và tác hại trên hệ thần kinh, gây loạn thần (ảo giác, hoang tưởng) của cỏ Mỹ cao hơn cần sa.
Vì là sản phẩm trôi nổi nên cỏ Mỹ có thể được tẩm ướp thêm một số chất gây nghiện hoặc một số hóa chất có khả năng gây ra tác dụng phụ như đau đầu, tiêu chảy, mệt mỏi, tổn thương gan, thận...
Thời gian để độc chất thải loại ra khỏi cơ thể hoàn toàn có thể lên tới 1 tháng.
Trường hợp ảo giác kéo dài các bệnh nhân nên khám tại các bệnh viện chuyên khoa tâm thần, thần kinh để bác sỹ đánh giá thêm, có hướng điều trị kịp thời.
Nghị định 73/2018/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 15/5/2018 đưa cỏ Mỹ vào danh mục các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trong y học và đời sống xã hội.
Nếu bệnh nhân sau khi tiếp xúc chỉ cảm thấy khó chịu, nhức đầu nhẹ, nên nghỉ ngơi và không sử dụng loại hóa chất độc hại này nữa, bác sỹ Nguyễn Minh Tiến khuyến cáo./.