Ngày 8/6, dưới sự chủ trì của Pháp, nước Chủ tịch tháng 6/2020, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã họp định kỳ 6 tháng nghe báo cáo và thảo luận về công việc của Cơ chế giải quyết các vụ việc tồn đọng của các tòa án quốc tế (viết tắt là Cơ chế).
Tại cuộc họp, Việt Nam đã ủng hộ việc các quốc gia liên quan có trách nhiệm hàng đầu trong truy tố, xét xử tội ác quốc tế nghiêm trọng.
Việt Nam hiện là Chủ tịch Nhóm công tác không chính thức về các tòa án quốc tế.
Thẩm phán Carmel Agius, Chủ tịch Cơ chế, cho biết trong 6 tháng qua, dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, Cơ chế đã đạt được nhiều tiến triển trong công tác xét xử và dự kiến sẽ hoàn thành các vụ việc trong năm 2021, tiếp tục hoàn thiện hồ sơ lưu trữ tại hai chi nhánh ở La Hay (Hà Lan) và Arusha (Tanzania), hoàn thiện các quy định về tố tụng.
Thẩm phán Agius nhấn mạnh việc Felicien Kabuga, một trong các nghi phạm chủ chốt gây tội ác diệt chủng tại Rwanda năm 1994 đã lẩn trốn hơn 20 năm qua, bị bắt giữ tại Pháp vào ngày 16/5/2020 là dấu mốc quan trọng trong việc trừng trị các tội ác quốc tế nghiêm trọng và mang lại công lý cho các nạn nhân của nạn diệt chủng tại Rwanda và gia đình họ.
Công tố viên của Cơ chế Serge Brammertz bày tỏ cảm ơn các cơ quan tư pháp quốc gia của các nước và tổ chức quốc tế đã hỗ trợ Cơ chế trong việc truy bắt và xác định danh tính hai nghi phạm phạm tội diệt chủng tại Rwanda, cam kết thúc đẩy truy tìm các nghi phạm còn lại.
Công tố viên Serge Brammertz bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác và nhận được hỗ trợ của các quốc gia thành viên Liên hợp quốc trong truy tố, xét xử các tội ác quốc tế và kêu gọi cộng đồng quốc tế chống vinh danh tội ác, chối bỏ nạn diệt chủng và các tội ác chiến tranh khác, cho rằng chỉ khi đó mới đạt được hòa giải dân tộc và xây dựng nền hòa bình bền vững.
[Việt Nam chủ trì họp Nhóm công tác của HĐBA về các tòa án quốc tế]
Các thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ghi nhận tiến độ của Cơ chế trong công tác xét xử, quản lý hồ sơ, bảo vệ nhân chứng, triển khai các biện pháp ngăn ngừa lây lan COVID-19 trong nhân viên và các cơ sở của Cơ chế, đồng thời hạn chế tối đa tác động của các biện pháp phòng, chống COVID-19 đến công tác của cơ quan này.
Các nước cũng cho rằng việc bắt giữ Felicien Kabuga có ý nghĩa quan trọng trong trừng trị tội ác quốc tế, bảo đảm công lý; ủng hộ Cơ chế xây dựng chiến lược, kế hoạch tiến tới hoàn tất nhiệm vụ là cơ chế “tinh gọn, tạm thời, chức năng giảm dần theo thời gian," kêu gọi các quốc gia hợp tác và hỗ trợ Cơ chế theo các Nghị quyết của Hội đồng Bảo an.
Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, ghi nhận các kết quả xét xử trong thời gian qua, nhấn mạnh yêu cầu xét xử công bằng, đúng trình tự, thủ tục, hoan nghênh Cơ chế đạt tiến triển về bảo đảm cân bằng giới và tăng tính đại diện trong đội ngũ nhân viên, ủng hộ tăng cường hợp tác, hỗ trợ Cơ chế sớm hoàn thành các công việc còn tồn đọng.
Cơ chế giải quyết các vụ việc tồn đọng của các tòa án quốc tế (IRMCT) được Hội đồng Bảo an thành lập năm 2010 nhằm kế thừa và thụ lý các công việc còn lại của Tòa hình sự quốc tế về Rwanda và Tòa hình sự quốc tế về Nam Tư cũ.
Hội đồng Bảo an định kỳ 6 tháng xem xét tiến độ hoạt động của Cơ chế./.