Ngày 30/6, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi Mỹ dỡ bỏ hoặc miễn trừ áp dụng tất cả các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran như đã thống nhất trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015 nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của Tehran.
Đây là nội dung báo cáo thường ký 6 tháng về việc triển khai nghị quyết năm 2015, trong đó bao gồm thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 (Mỹ, Pháp, Anh, Nga, Trung Quốc và Đức), được ông Guterres gửi tới Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong cuộc họp diễn ra cùng ngày.
Nhà lãnh đạo Liên hợp quốc cũng kêu gọi Mỹ mở rộng các biện pháp miễn trừ liên quan hoạt động thương mại trong lĩnh vực dầu mỏ với Iran và nối lại hoàn toàn các biện pháp miễn trừ với những dự án không liên quan tới phát triển hạt nhân.
Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, gồm 15 nước ủy viên, Phó Đại sứ Mỹ tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Jeffrey DeLaurentis, khẳng định Mỹ luôn duy trì mục tiêu đảm bảo Iran sẽ không sở hữu vũ khí hạt nhân và tin tưởng ngoại giao là con đường tốt nhất để thực hiện mục tiêu này cùng sự phối hợp với các quốc gia đồng minh và các đối tác trong khu vực.
[Tổng Thư ký Liên hợp quốc hối thúc Mỹ dỡ bỏ trừng phạt Iran]
Mỹ đánh giá những vòng đàm phán nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran diễn ra gần đây tại Vienna (Áo) đã giúp "kết tinh các lựa chọn" cần được Tehran và Washington thực hiện để tiến đến mục tiêu cùng trở lại tuân thủ thỏa thuận.
Về phần mình, Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Liên hợp quốc Olof Skoog cho biết EU đã khuyến khích Mỹ "thể hiện thiện chí" dỡ bỏ các biện pháp hạn chế như đã cam kết trong thỏa thuận hạt nhân.
Tuy nhiên, Đại sứ Skoog cảnh báo thời gian đang ngày càng cấp bách, cơ hội tháo gỡ vấn đề thông qua các kênh ngoại giao cũng không còn nhiều nên các bên không nên bỏ lỡ.
Những phát biểu trên được đưa ra trong bối cảnh Iran, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh, Đức và EU đã khởi động các cuộc thảo luận của Ủy ban chung giám sát thỏa thuận hạt nhân có tên gọi đầy đủ là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) từ tháng 4 vừa qua tại Vienna, nhằm làm cầu nối giữa Tehran và Washington để đưa cả hai nước trở lại tuân thủ thỏa thuận.
JCPOA quy định Iran làm giàu urani ở mức độ 3,67%, thấp hơn nhiều so với mức 90% có thể tạo ra vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt trừng phạt Iran năm 2018, Tehran đã dần thu hẹp các cam kết của mình trong thỏa thuận.
Cho đến nay, Iran đã làm giàu urani lên tới độ tinh khiết 60%. Sau khi nhậm chức tháng 1 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết Mỹ tham gia trở lại thỏa thuận JCPOA và Washington cho rằng Tehran cũng muốn như vậy./.