Hội nghị AFMGM lần thứ 2 cam kết hợp tác vì sự ổn định kinh tế khu vực

AFMGM lần thứ hai năm 2023 nhằm mục đích theo dõi và cập nhật tiến độ đạt được trong việc thực hiện các nội dung kinh tế ưu tiên (PED) và thảo luận các vấn đề được các nước thành viên ASEAN quan tâm.
Thống đốc Ngân hàng Indonesia (BI) Perry Warjiyo phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN (AFMGM) tại Jakarta, ngày 22/8. (Nguồn: Antara)

Tiếp nối Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN (AFMGM) vào tháng Ba vừa qua trên đảo Bali, AFMGM lần thứ hai năm 2023 và các Hội nghị liên quan diễn ra từ ngày 22-25/8 tại Jakarta nhấn mạnh cam kết và hợp tác nhằm duy trì ổn định kinh tế khu vực.

Hội nghị thu hút sự tham dự của Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương từ chín nước ASEAN gồm Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam, bên cạnh đại diện của Timor-Leste với tư cách quan sát viên.

Chuỗi hội nghị lần này còn có sự tham dự của đại diện 6 tổ chức quốc tế, gồm Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ủy ban Ổn định Tài chính (FSB), Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), Ngân hàng Thế giới (WB), cùng hai đối tác chiến lược là Australia và Liên minh châu Âu (EU).

AFMGM lần thứ hai năm 2023 nhằm mục đích theo dõi và cập nhật tiến độ đạt được trong việc thực hiện các nội dung kinh tế ưu tiên (PED) và thảo luận các vấn đề được các nước thành viên ASEAN quan tâm.

[Việt Nam dự Hội nghị tham vấn Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và các đối tác]

Hội nghị sẽ tập trung vào một số chương trình nghị sự chính, như Cập nhật và Rủi ro kinh tế Toàn cầu, Triển vọng và Thách thức Kinh tế Khu vực, cũng như Đối thoại Chính sách về Tài trợ Cơ sở hạ tầng và Khuyến khích Tài chính bền vững.

Hội nghị cũng dự kiến thông qua Tuyên bố chung cấp Bộ trưởng (JMS) ghi nhận kết quả triển khai của nhiều sáng kiến, thỏa thuận chung và kế hoạch hành động, cũng như theo dõi các chương trình nghị sự hợp tác đã được thảo luận tại diễn đàn hợp tác tài chính ASEAN.

Theo Bộ Tài chính Indonesia, ba PED về hợp tác tài chính khu vực trong năm 2023 bao gồm Thúc đẩy phục hồi và đảm bảo sự ổn định và khả năng phục hồi tài chính và kinh tế (Phục hồi-Tái thiết); Thúc đẩy kết nối thanh toán, phổ biến kiến thức và hội nhập tài chính kỹ thuật số nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế toàn diện (Kinh tế Số); và Thúc đẩy chuyển đổi tài chính nhằm hỗ trợ tài chính bền vững và kinh tế xanh (phát triển bền vững).

Nhân dịp này, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Y tế ASEAN (AFHMM) cũng sẽ được tổ chức.

Theo Giám đốc Trung tâm Chính sách song phương và khu vực thuộc Bộ Tài chính Indonesia Yogi Rahmayanti, đây là lần đầu tiên ASEAN nhận thấy động lực và nhu cầu chuẩn bị ứng phó với các thách thức y tế trong khu vực.

AFHMM sẽ thảo luận về tình hình COVID-19, các thách thức về y tế, Quỹ ASEAN ứng phó với đại dịch, đặc biệt là những thiếu sót tài chính trong việc ứng phó với đại dịch và đề xuất các cách thức khắc phục.

Ngoài các chương trình nghị sự chính nói trên, AFHMM lần thứ hai năm 2023 còn bao gồm nhiều sự kiện bên lề như Phiên kết nối và tìm hiểu kinh doanh giữa các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) và các công ty tài chính kỹ thuật số (Fintech); Hội thảo về cơ chế chuyển đổi năng lượng của các nước ASEAN; Hội nghị thăm dò thành lập Diễn đàn Kho bạc ASEAN (ATF); Hội thảo về sản xuất năng lượng tái tạo; Đối thoại cấp cao về đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng bền vững bằng cách tăng cường nỗ lực hợp tác giữa chính phủ và khu vực tư nhân.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục