Hội nghị An ninh Munich lần 56 tìm giải pháp cho các vấn đề "nóng"

Hội nghị An ninh Munich lần 56 tổ chức nhằm tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề “nóng,” trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp về chính trị như căng thẳng leo thang gần đây giữa Mỹ-Iran.
Chủ tịch Hội nghị Wolfgang Ischinger. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, Hội nghị An ninh Munich lần thứ 56, dự kiến diễn ra từ ngày 14/16/2 tại thành phố Munich của Đức, sẽ thảo luận về các xung đột lớn trên thế giới.

Hội nghị An ninh Munich lần thứ 56 được tổ chức nhằm tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề “nóng,” trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp về chính trị như căng thẳng leo thang gần đây giữa Mỹ và Iran, xung đột giữa Israel và Palestine, các cuộc xung đột tại Libya, Syria, vấn đề về Thỏa thuận hạt nhân Iran 2015; cạnh tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc, dự án Dòng chảy Phương bắc 2…

Ngoài ra, các thách thức toàn cầu cấp bách như vấn đề biến đổi khí hậu, và gần đây nhất là sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 (nCoV)… cũng sẽ là nội dung trọng tâm của hội nghị, đặc biệt là các tác động của biến đổi khí hậu đối với chính sách an ninh và những điểm tương đồng giữa thương mại, phát triển công nghệ và an ninh quốc tế.

Truyền thông Đức dẫn lời Chủ tịch Hội nghị Wolfgang Ischinger đánh giá: "Chúng ta có nhiều cuộc khủng hoảng hơn, khủng hoảng ngày càng tồi tệ hơn và 3 ngày hội nghị không đủ để thảo luận về tất cả các xung đột trên thế giới.”

[Triều Tiên lần đầu cử đại diện tham dự Hội nghị An ninh Munich 2020]

Theo giới phân tích, Hội nghị An ninh Munich tuy không phải là nơi để ra chính sách, chiến lược, không giải quyết được tất cả các vấn đề an ninh đang đặt ra, nhưng là diễn đàn vô cùng quan trọng để các bên đối thoại tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau; bàn thảo biện pháp giảm đối đầu, căng thẳng; đối phó với các thách thức, nguy cơ; bảo vệ môi trường an ninh quốc tế.

Dư luận quốc tế mong muốn các quốc gia tăng cường mở rộng hợp tác trên cơ sở bình đẳng cùng có lợi, tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, góp phần xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định và phát triển.

Hội nghị năm nay quy tụ khoảng 40 nguyên thủ quốc gia và 100 bộ trưởng đến từ khắp nơi trên thế giới, đại diện của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), một số thành viên của Ủy ban châu Âu (EC), đại diện các tổ chức phi chính phủ (NGO), các tổ chức quốc tế và nhiều lãnh đạo các doanh nghiệp quốc tế.

Khoảng 3.900 cảnh sát từ 8 bang trên toàn nước Đức được huy động tham gia bảo vệ an ninh cho hội nghị.

Các cuộc biểu tình lớn của hơn 80 tổ chức với khoảng hơn 8.000 người tham gia cũng đã được lên kế hoạch ở trung tâm thành phố./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục