Hội nghị mùa Xuân IMF-WB: Các nước cam kết thúc đẩy tăng trưởng

Ngày 16/4, ở Mỹ, các bộ trưởng tài chính và giới lãnh đạo các ngân hàng trung ương đến từ 189 nước thành viên cam kết hành động thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Giám đốc IMF Christine Lagarde (trái) và chuyên gia kinh tế Đại học Harvard Mỹ Larry Summers tại hội nghị. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Khép lại Hội nghị thường niên mùa Xuân của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) ở thủ đô Washington (Mỹ), ngày 16/4, các bộ trưởng tài chính và giới lãnh đạo các ngân hàng trung ương đến từ 189 nước thành viên đã cam kết hành động thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Sau một tuần bình yên trên thị trường tài chính và kêu gọi các quốc gia cần triển khai hành động nhằm thúc đẩy tăng trưởng, ban lãnh đạo IMF tuyên bố có cái nhìn tích cực về triển vọng tương lai của nền kinh tế thế giới.

Chủ tịch ủy ban điều hành IMF Agustin Carstens cho biết thể chế tài chính này đang cảnh giác nhưng không lo lắng. Các nước thành viên đã nhất trí về sự cần thiết của việc nhanh chóng thực hiện các hành động củng cố lẫn nhau để hỗ trợ tăng trưởng toàn cầu.

Trước đó, đầu tuần này, IMF đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống 3,2%. Tổ chức này cảnh báo dòng người tị nạn, bất ổn tại thị trường tài chính, số công ty vỡ nợ tăng mạnh và kịch bản Brexit (Anh rút khỏi Liên minh châu Âu) đều là những mối đe dọa nghiêm trọng đối với kinh tế toàn cầu hiện đang bấp bênh.

Tuy nhiên, sau hàng loạt cuộc họp với các thành viên của IMF, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde đã có cái nhìn lạc quan khi miêu tả diễn biến tuần qua là một đợt trị liệu tập thể để chuyển từ tình hình tiêu cực và các thách thức trước mắt sang một cách tiếp cận tích cực để tìm ra giải pháp.

IMF đã kêu gọi các nước triển khai cách tiếp cận theo 3 hướng gồm chính sách tiền tệ, chi tiêu tài chính và cải cách cơ cấu để thúc đẩy các hoạt động kinh tế.

Đối diện với thực tế một số ngân hàng trung ương đã hạ lãi suất xuống mức âm hoặc cực thấp, các chuyên gia lo ngại ảnh hưởng của chính sách tiền tệ sẽ bị hạn chế. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia không dư nguồn lực tài chính để tăng chi tiêu thúc đẩy tăng trưởng.

Trong khi đó, Mỹ - quốc gia có mức tăng trưởng mạnh nhất trong số các nước phát triển - lại gây áp lực đầu tư vào cơ sở hạ tầng và khẳng định đã hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew nhấn mạnh: "Mỹ không thể và không được phép là đầu tàu tăng trưởng duy nhất, cũng như là quốc gia thực hiện phương sách đầu tiên hay là phương án cuối cùng của kinh tế toàn cầu. Tất cả nền kinh lớn cần triển khai đầy đủ các biện pháp về chính sách kinh tế."

Về phần mình, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble tin rằng việc tăng trưởng kinh tế toàn cầu liên tục sụt giảm trong các năm trước cho thấy tầm quan trọng của các yếu tố cải cách.

Theo ông, chính sách tiền tệ không phải là sự thay thế cho chính sách tài chính tố và ổn định, cũng như việc cải cách cơ cấu. Sự hạn chế và những ảnh hưởng tiêu cực của các chính kinh tế vĩ mô mở rộng ngày càng rõ nét hơn nếu thời gian áp dụng càng dài.

Cũng tại hội nghị, một số thành viên còn kêu gọi hai WB và IMF triển khai kế hoạch dự phòng với nguồn lực tài chính khẩn cấp lớn hơn trong trường hợp thế giới rơi vào tình trạng suy thoái. Tuy nhiên, lời kêu gọi đã không được nhiều nước hưởng ứng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục