Hội nghị Quan chức cấp cao ASEAN về chống tội phạm xuyên quốc gia

Việt Nam đề nghị các nước tăng cường xây dựng lòng tin, trao đổi thông tin giữa cơ quan thực thi pháp luật các nước ASEAN, không để các tổ chức, cá nhân lợi dụng lãnh thổ nước này chống lại nước kia.
Trung tướng Nguyễn Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Công an Việt Nam và các đại biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Ngày 24/9, đoàn đại biểu Việt Nam do Trung tướng Nguyễn Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Công an Việt Nam dẫn đầu đã tham dự Hội nghị Quan chức cấp cao ASEAN về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia lần thứ 20 (SOMTC 20) theo hình thức trực tuyến.

Hội nghị SOMTC 20 năm nay do nước Cộng hòa Philippines chủ trì.

Sau khi kết thúc Hội nghị SOMTC 20, Bộ Công an Việt Nam sẽ chủ trì tổ chức Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia lần thứ 14 (AMMTC 14) và các Hội nghị liên quan (dự kiến vào trung tuần tháng 11/2020).

Tại Hội nghị SOMTC 20, các nước thành viên trao đổi quan điểm về những nỗ lực cấp quốc gia, khu vực và quốc tế trong phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia trước tình hình đại dịch COVID-19.

Các nước ASEAN đánh giá cao nước chủ nhà Philippines đã nỗ lực chuẩn bị để Hội nghị SOMTC 20 theo hình thức trực tuyến được tiến hành theo đúng kế hoạch.

Đặc biệt, hội nghị diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, khó dự báo, qua đó thể hiện sự ứng phó, thích ứng với tình hình cũng như sự đoàn kết, thống nhất và quyết tâm mạnh mẽ của các nước ASEAN.

Đại biểu các nước đã chia sẻ về tình hình và những thách thức trong công tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia ở mỗi nước và khu vực trong bối cảnh mới, đặc biệt là dịch COVID-19.

Ngay từ những ngày đầu năm 2020, thế giới phải tập trung mọi nguồn lực để đối phó với đại dịch COVID-19. Dịch bệnh đã tác động sâu rộng đến mọi khía cạnh của đời sống và làm gia tăng mức độ rủi ro đối với những người yếu thế trong xã hội, đặc biệt là người già, phụ nữ và trẻ em.

[Việt Nam có trách nhiệm trong phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia]

Dịch COVID-19 đã buộc Chính phủ các nước phải thực hiện nhiều biện pháp giãn cách xã hội, gây khó khăn cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng kéo theo các vấn đề về an sinh xã hội, gây áp lực gia tăng tội phạm và phức tạp về trật tự xã hội. Trong bối cảnh cộng đồng quốc tế tập trung vào công tác phòng, chống dịch, bất cứ sự lơ là về an ninh, trật tự nào sẽ làm gia tăng bất ổn, thậm chí khủng hoảng xã hội.

Ông Bernardo Florece, Thứ trưởng Bộ Nội vụ và Chính quyền địa phương (Cộng hòa Philippines), Trưởng SOMTC-Philippines đánh giá, các đối tượng tội phạm xuyên quốc gia đã coi đại dịch COVID-19 và việc tiến hành phong tỏa ở nhiều quốc gia là một cơ hội để thực hiện các hành vi buôn bán, vận chuyển chất cấm, thực hiện nhiều hình thức vận chuyển mới, thúc đẩy tấn công mạng...

Do đó, Trưởng SOMTC - Philippines kêu gọi tính thống nhất và hệ thống trong việc triển khai các chiến lược để kiểm soát tội phạm, hướng đến triển khai kế hoạch hành động phòng, chống tội phạm quốc tế giai đoạn 2020-2025; thắt chặt đoàn kết giữa các quốc gia ASEAN và tăng cường hợp tác về mặt pháp lý chống lại các hành vi phi pháp luật xuyên biên giới, tăng cường quan hệ đối tác trong điều tra, truy tố tội phạm và trao đổi hồ sơ tội phạm giữa các quốc gia.

Ông Bernardo Florece nhấn mạnh: "Cần có thêm nhiều hệ thống thiết lập giữa các cơ quan thực thi pháp luật và phòng, chống tội phạm; đưa cộng đồng người dân tham gia vào cuộc chiến chống tội phạm xuyên quốc gia."

Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Thay mặt đoàn Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Thanh Sơn cho rằng việc giãn cách xã hội và tăng cường làm việc trực tuyến đã khiến tội phạm triệt để lợi dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi phạm tội. Vấn nạn tin giả, thông tin sai sự thật liên quan đến dịch bệnh, gây hoang mang trong dư luận xã hội, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự.

Các hoạt động giao dịch thương mại điện tử, thanh toán qua hệ thống ngân hàng, trung gian thanh toán tăng mạnh trong thời kỳ giãn cách xã hội trở thành điều kiện khiến hoạt động tội phạm sử dụng công nghệ cao gia tăng cả về số vụ, tính chất, mức độ nghiêm trọng với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, gây khó khăn trong công tác phòng ngừa, đấu tranh.

Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản có chiều hướng gia tăng, trong đó, nhiều vụ việc liên quan đến hoạt động buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, nhất là các mặt hàng thiết yếu, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19.

Tại Hội nghị, Việt Nam đề nghị các nước tăng cường xây dựng lòng tin, trao đổi thông tin cấp cao giữa cơ quan thực thi pháp luật các nước ASEAN, không để các tổ chức, cá nhân lợi dụng lãnh thổ nước này chống lại nước kia.

Cơ quan thực thi pháp luật các nước ASEAN cần tiếp tục duy trì và củng cố quan hệ hợp tác trong đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia; đẩy mạnh trao đổi thông tin, tình hình, xu hướng và tăng cường mở các chiến dịch điều tra chung, triệt phá các băng nhóm tội phạm xuyên quốc gia ở khu vực; hoàn thiện các văn bản pháp lý tạo khuôn khổ cho hợp tác phòng, chống tội phạm của ASEAN và giữa ASEAN với các nước đối tác, đối thoại.

Các nội dung đã được thống nhất tại SOMTC/AMMTC cần phải được triển khai theo lộ trình cụ thể.

Với vai trò là chủ nhà của Hội nghị AMMTC 14, Bộ Công an Việt Nam cam kết tích cực phối hợp cùng cơ quan thực thi pháp luật các nước ASEAN chung tay giải quyết các vấn đề khó khăn, phức tạp, cũng như các thách thức khu vực và toàn cầu, đe dọa đến hòa bình, an ninh, ổn định khu vực.

Bộ Công an Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng hướng tới một Cộng đồng ASEAN liên kết chặt chẽ, tự cường, giàu bản sắc, hướng tới nhân dân, vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở quốc gia và khu vực.

Trong chương trình nghị sự, các đại biểu cũng thảo luận công tác chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia lần thứ 14 (AMMTC 14) và các Hội nghị liên quan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục