Hội thảo Báo Đảng Đông Nam bộ: Báo chí trước thách thức từ mạng xã hội

Sự "bắt tay" của báo chí và mạng xã hội góp phần giúp cơ quan báo chí tiếp cận được nhiều nguồn thông tin; tạo ra cú nhảy vọt, làm thay đổi hoàn toàn cách thức truyền tải thông tin, tương tác .
Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Bùi Như Trường Giang/TTXVN)

Ngày 15/6, Báo Long An tổ chức Hội thảo Báo Đảng khu vực miền Đông Nam bộ (mở rộng) năm 2019 với chủ đề "Báo chí trước thách thức từ mạng xã hội."

Đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông; lãnh đạo tỉnh Long An cùng đại diện của 14 đơn vị báo chí thuộc các tỉnh, thành phố miền Đông Nam bộ, Tây Nam bộ và Tây nguyên đã đến dự.

Hội thảo là dịp để những người làm báo Đảng địa phương gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động báo chí; đồng thời, chia sẻ những bài học kinh nghiệm, cách làm hay để làm tốt hơn nhiệm vụ, nhất là nhiệm vụ tuyên truyền, phản bác lại các thông tin sai trái trên mạng xã hội.

Tại hội thảo, ý kiến của các đại biểu đều cho rằng, mạng xã hội đang ngày càng phát triển, sử dụng phổ biến tạo nên những tác động lớn đối với báo chí ở cả hai khía cạnh tích cực lẫn tiêu cực, tạo ra nhiều cơ hội lẫn thách thức. Nhiều đơn vị báo chí hiện nay xem mạng xã hội như là công cụ hỗ trợ đắc lực để khai thác nguồn tin, truyền tải thông tin đến độc giả…

Tuy nhiên, nếu không thận trọng, tỉnh táo thì rất dễ bị những thông tin giả, sai sự thật trên mạng xã hội; hoặc trở thành công cụ sản xuất nội dung cho mạng xã hội, đánh mất bạn đọc…

Theo Phó Tổng biên tập phụ trách Báo Tây Ninh Huỳnh Thanh Nam, sự "bắt tay" của báo chí và mạng xã hội góp phần giúp cơ quan báo chí tiếp cận được nhiều nguồn thông tin; tạo ra cú nhảy vọt, làm thay đổi hoàn toàn cách thức truyền tải thông tin, tương tác với bạn đọc.

Tuy nhiên, mạng xã hội cũng tạo ra nhiều nguy cơ nếu không tỉnh táo, báo chí có thể đánh mất mình để trở thành công cụ sản xuất nội dung cho các nền tảng mạng xã hội khi mà người đọc tìm đến nguồn tin chính trên mạng xã hội, không cần quan tâm nguồn tin đó từ đâu, ai là người viết.

Hoặc mạng xã hội cũng tạo ra những “phóng viên salon” chuyên tiếp nhận nguồn tin chưa qua kiểm chứng để xử lý thành sản phẩm báo chí.

[Báo chí thực hiện hiệu quả chức năng giám sát, phản biện xã hội]

Do đó, các cơ quan báo chí cần có những sự thay đổi nhanh nhạy, nắm bắt xu thế để tận dụng những lợi thế do mạng xã hội mang lại. Đồng thời phải xác định rõ ràng báo chí hoạt động dựa trên nền tảng của đạo đức và luật pháp yêu cầu người làm báo phải chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội, khai thác lợi thế từ mạng xã hội để phục vụ công việc…

Nêu ý kiến tại hội thảo, Tổng Thư ký Tòa soạn Báo Sài Gòn Giải Phóng Nguyễn Khắc Văn cho rằng báo chí và mạng xã hội hiện đang tồn tại song song, tòa soạn báo chí chuyên nghiệp đưa thông tin theo kiểu của báo, còn công chúng đưa thông tin lên mạng xã hội theo kiểu của họ.

Do đó, tạo ra tính cạnh tranh khá mạng mẽ về thông tin. Tuy nhiên, dù mạng xã hội có số lượng thông tin cực kỳ lớn, phù hợp nhu cầu tiếp nhận của nhiều người nhưng hầu hết chưa được kiểm chứng, thiếu độ tin cậy. Trong khi đó, báo chí có lợi thế là những thông tin chính thống và độ tin cậy cao.

Do đó, báo chí cần phát huy tối đa lợi thế này thông qua việc nâng cao chất lượng thông tin, cách thức truyền tải để tạo niềm tin đối với công chúng, bạn đọc...

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng tham gia ý kiến tập trung vào các vấn đề như thông tin chính thống và mạng xã hội; mạng xã hội đặt ra những thách thức gì cho báo chí hiện nay; báo chí trong môi trường cạnh tranh thông tin; khai thác mạng xã hội để phục vụ tác nghiệp báo chí; sử dụng mạng xã hội để tương tác, kết nối, xây dựng nguồn tin; ứng xử của nhà báo trên mạng xã hội với tư cách là người đại diện của các cơ quan báo chí; sử dụng mạng xã hội để kinh doanh báo chí và làm gì trước thách thức từ mạng xã hội…

Tại hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được nhấn mạnh, để đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập cũng như đối mặt và vượt qua những thách thức, khó khăn, hơn lúc nào hết, báo chí, nhất là các cơ quan báo Đảng phải có lập trường chính trị vững vàng, không ngừng đổi mới, xác định rõ nhân tố quyết định là con người, là trí tuệ, tài năng, đạo đức và sự nỗ lực của người làm báo.

Đồng thời, báo chí phải góp phần đắc lực vào việc hình thành dư luận xã hội lành mạnh; xây dựng bản lĩnh, trí tuệ, tâm hồn, khí phách con người Việt Nam trong thời kỳ mới, cổ vũ và tạo ra sức mạnh đoàn kết, thống nhất, đồng thuận xã hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục