Theo phóng viên TTXVN tại Séc, Hội thảo quốc tế về an ninh châu Á với chủ đề “Xung đột ở khu vực Nam, Đông và Đông Nam Á” vừa diễn ra tại Prague, Cộng hòa Séc, do Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (CIPS) thuộc trường Đại học Metropolitan Praha (MUP) tổ chức.
Các chuyên gia và đại biểu tham dự đã tập trung trao đổi, thảo luận về các cuộc xung đột về tôn giáo, sắc tộc và hình thức phản ánh của các cuộc xung đột này ở Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Ấn Độ… và một số vấn đề an ninh nổi lên ở các khu vực Nam, Đông và Đông Nam Á.
Vấn đề Biển Đông được nhiều chuyên gia đi sâu phân tích. Tiến sỹ Takashi Hosoda, giảng viên Đại học Tổng hợp Charles (Séc), đã có tham luận về các động thái của Trung Quốc tại Biển Đông và Hoa Đông.
Ông Hosoda nhấn mạnh giá trị phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) tại La Haye ở Hà Lan hồi tháng 7/2016, đặc biệt là việc bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.
Ông cho rằng việc tôn trọng và thực thi phán quyết của PCA cũng như luật pháp quốc tế đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc giải quyết các tranh chấp trong khu vực.
[ASEAN và Trung Quốc cam kết bảo vệ môi trường ở Biển Đông]
Ông Hosoda khẳng định vì lợi ích kinh tế, hòa bình và ổn định trong khu vực, cần phải tăng cường sử dụng biện pháp ngoại giao trong giải quyết các vấn đề nổi lên trong quan hệ giữa Trung Quốc với Nhật Bản và các nước trong khu vực, đồng thời cần phát huy vai trò trung tâm của ASEAN và các cơ chế hợp tác với ASEAN.
Chuyên gia Padraig Lysaght, Đại học Vienna (Áo), đã phân tích lịch sử hiện diện, ảnh hưởng của châu Âu ở Biển Đông và quan hệ giữa một số nước châu Âu với Trung Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông.
Trong khi đó, chuyên gia Alfred Gerstl, Đại học Vienna (Áo), đi sâu vào việc Trung Quốc triển khai sáng kiến "Vành đai và Con đường" và tác động của chính sách này đối với các nước Đông Nam Á.
Các chuyên gia này đều nhấn mạnh tới sự cần thiết cũng như lợi ích của việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
Tiến sỹ Maria Strasakova, Giám đốc Trung tâm CIPS, Đại học MUP, phân tích về chính sách của Việt Nam trong việc duy trì quan hệ hợp tác với Trung Quốc.
Tiến sỹ Strasakova khẳng định việc duy trì quan hệ hợp tác song phương có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị… đối với cả Việt Nam cũng như Trung Quốc.
Nội dung các tham luận trên đã thu hút được sự chú ý và tham gia thảo luận sôi nổi của các đại biểu tham dự, nhất là các vấn đề liên quan đến diễn biến, thực trạng và triển vọng giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN, tiến sỹ Hosoda khẳng định các nước lớn cần đóng vai trò tích cực trong việc duy trì hòa bình, ổn định, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Đối với Nhật Bản, chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe thời gian tới sẽ đóng vai trò ngày càng lớn hơn trong quan hệ với ASEAN và các nước trong khu vực, trong đó có việc hỗ trợ các nước khu vực xây dựng và tăng cường năng lực thực thi pháp luật trên biển trong khuôn khổ “Tầm nhìn Vientiane” (11/2016)...
Hội thảo quốc tế “Xung đột ở Nam, Đông và Đông Nam Á” là hội thảo thường niên lần thứ 9 do CIPS tổ chức. Đây là một trong những diễn đàn uy tín hàng đầu tại Séc và khu vực về chủ đề an ninh châu Á.
Ngoài hội thảo lần này, vấn đề tranh chấp Biển Đông đã được đưa vào chương trình thảo luận trong nhiều hội thảo thường niên trước đó của CIPS./.