Hội thảo quốc tế về Con đường Tơ lụa Trên biển tại Singapore

Hơn 300 đại biểu đến từ các nước trong khu vực Đông Nam Á đã tham gia Diễn đàn Doanh nghiệp Khu vực Singapore thường niên, với chủ đề “Con đường Tơ lụa Trên biển Thế kỷ 21.”
Toàn cảnh buổi Hội thảo. (Ảnh: Việt Hải, Lê Hải/Vietnam+)

Hơn 300 đại biểu đến từ các nước trong khu vực Đông Nam Á, gồm các nhà ngoại giao, lãnh đạo doanh nghiệp và giới học giả mới đây đã tham gia Diễn đàn Doanh nghiệp Khu vực Singapore thường niên do Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore (SBF) tổ chức, với chủ đề “Con đường Tơ lụa Trên biển Thế kỷ 21.”

Theo ban tổ chức, đây là lần đầu tiên sáng kiến lớn này được thảo luận rộng rãi bên ngoài Trung Quốc.

Diễn đàn Doanh nghiệp Khu vực Singapore năm nay được tổ chức nhân dịp sự kiện 25 năm thiết lập quan hệ Singapore-Trung Quốc.

SBF hy vọng với chủ đề tập trung sáng kiến lớn của Trung Quốc, được đưa ra vào năm 2013, sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp Singapore cũng như khu vực có thêm hiểu biết cũng như thảo luận về các cơ hội đầu tư và kinh doanh mà dự án này có thể mang lại.

Phát biểu tại diễn đàn, Giáo sư Tommy Koh, Chủ tịch Ủy ban điều hành Trung tâm Luật Quốc tế và là một trong những diễn giả chính, khẳng định ông ủng hộ sáng kiến của Trung Quốc bởi nó sẽ không chỉ thúc đẩy thương mại, vận tải, du lịch, phát triển hạ tầng biển, tăng cường kết nối và thúc đẩy hiểu biết chung giữa người dân các nước mà còn bởi nó sẽ bổ sung cho Kế hoạch tổng thể Kết nối ASEAN.

Ông khẳng định sáng kiến của Trung Quốc sẽ chỉ thành công nếu dựa trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau và lợi ích chung. Nếu bất đồng nổi lên, nó cần phải được giải quyết hòa bình và theo luật pháp quốc tế, bao gồm cả Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS). Chính vì thế, Giáo sư Koh đưa ra ba gợi ý với Trung Quốc.

Trước tiên, Bắc Kinh cần nỗ lực hơn nữa để có được lòng tin từ các nước láng giềng và đối tác. Thứ hai, Trung Quốc cần đưa ra cách tiếp cận toàn diện và cởi mở với tất cả các nước đều được hoan nghênh tham gia dự án. Cuối cùng, Trung Quốc cần lắng nghe khu vực để hiểu về quan điểm và quan ngại của các nước về những tác động trong tương lai của sáng kiến này.

Theo ông, sáng kiến này nên trở thành một dự án của khu vực, chứ không phải của riêng Trung Quốc.

Về phần mình, bà Phó Oánh, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Trung Quốc và là một trong những khách mời dự hội thảo, cũng khẳng định sự ủng hộ đối với ý kiến của Giáo sư Tommy Koh về việc phải đảm bảo tự do hàng hải trong sáng kiến Con đường Tơ lụa Trên biển.

Theo bà, kế hoạch của Trung Quốc là nhằm củng cố sự kết nối Á-Âu và mang lại thịnh vượng cho tất cả các nước. Để làm được điều này, Bắc Kinh sẽ cần lắng nghe hơn nữa ý kiến của các nước láng giềng, cũng như nhận thức về rủi ro an ninh và các rủi ro khác, như môi trường và điều kiện cần thiết tại các nước dọc Con đường Tơ lụa Trên biển cần phải được đảm bảo, cũng như các nước sở tại có hướng dẫn chính sách, nền tảng pháp lý và hỗ trợ cần thiết.

Trao đổi với phóng viên TTXVN bên lề hội thảo, ông S. S Teo, Chủ tịch SBF cho rằng thách thức đối với cộng đồng doanh nghiệp Singapore cũng như khu vực là có hiểu biết hơn về tầm quan trọng của Con đường Tơ lụa Trên biển, và dự này sẽ mang lại lợi ích nào cho họ.

Với Trung Quốc, Bắc Kinh cần phải hiểu về suy nghĩ của Singapore cũng như các nước láng giềng để hai bên có thể hợp tác với nhau. Ông cũng bày tỏ hi vọng thông qua việc tham dự diễn đàn này, các đại biểu Trung Quốc sẽ phản hồi những ý kiến tại diễn đàn này với Bắc Kinh.

Ngoài các phiên thảo luận chung về lịch sử, chính trị cũng như triển vọng khu vực của Con đường Tơ lụa Trên biển, các đại biểu tham dự diễn đàn cũng có 4 phiên thảo luận nhóm với các chủ đề riêng biệt như phát triển biển và hạ tầng; vận tải biển và thương mại; hợp tác tài chính; hợp tác du lịch và văn hóa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục