Hồi ức về buổi phát sóng đầu tiên của Đài Phát thanh Giải phóng

Cán bộ, phóng viên, biên tập viên của Đài Phát thanh Giải phóng năm xưa ngập tràn cảm xúc về giai đoạn chiến đấu hào hùng của dân tộc cùng những hồi ức đẹp đẽ về làn sóng phát thanh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Chủ tịch nước cho Đài Phát thanh Giải phóng. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Đài Phát thanh Giải phóng vừa vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Trong thời khắc vinh dự, tự hào ấy, mỗi cán bộ, phóng viên, biên tập viên năm xưa của Đài lại ngập tràn cảm xúc về giai đoạn chiến đấu hào hùng của dân tộc cùng những hồi ức đẹp đẽ về làn sóng phát thanh của một đài giải phóng năm nào.

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ buổi phát sóng đầu tiên của Đài Phát thanh Giải phóng, những nhà báo-chiến sỹ năm xưa đến nay vẫn không bao giờ quên những giờ phút xúc động, tự hào khi cách mạng miền Nam cất lên tiếng nói chính nghĩa qua một đài phát thanh.

Đã qua tuổi 90, ông Võ Văn Tòng, nguyên Trưởng phòng phát xạ-Đài Phát thanh Giải phóng vẫn rất minh mẫn. Ông nhớ như in những mốc son lịch sử hình thành, phát triển Đài Phát thanh Giải phóng cũng như Đài Tiếng nói Việt Nam và của ngành phát thanh nước nhà những năm kháng chiến chống Mỹ gian khổ.

Ra Hà Nội tham dự Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của đài dịp này, ông Tòng bồi hồi nhớ lại những ngày đầu thành lập Đài Phát thanh Giải phóng.

Giọng ông có đôi lúc lạc đi khi kể về thời điểm tháng 7/1960, ông và đồng chí Ba Bông nhận lệnh của Xứ ủy Nam Bộ yêu cầu xây dựng đài phát thanh, vì lúc này cách mạng miền Nam đang chuyển qua thời kỳ mới, rất cần có tiếng nói chính nghĩa để tuyên truyền, vận động sâu rộng trong nhân dân. Nghe xong chỉ thị trực tiếp của đồng chí Nguyễn Văn Linh, Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, cả hai lặng người vì lo lắng, bởi lúc đó trong tay chỉ có 1 mỏ hàn, 1 đồng hồ đo điện, một ít điện trở để sửa chữa đài điện báo...

Với suy nghĩ “Đảng cần là phải làm, sống chết cũng phải hoàn thành nhiệm vụ,” hai ông cùng bàn bạc kế hoạch, nhanh chóng nghiên cứu, thiết kế, lên bản vẽ để lắp ráp máy phát sóng phát thanh. Kết quả là 19 giờ ngày 1/2/1962, tiếng nói chính nghĩa của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam từ vùng Lò Gò-Bến Tà Nốt, đầu nguồn sông Vàm Cỏ Đông (Tây Ninh) tỏa đi khắp cả nước.

Tuy nhiên, sau đó do địch sử dụng con đường sát căn cứ với âm mưu chia cắt vùng giải phóng, Mặt trận Trung ương đã quyết định chuyển trụ sở đài vào vùng Mã Đà, chiến khu Đ (Đồng Nai).

Thời điểm đó, Đài Giải phóng được Ban Tuyên huấn Trung ương Cục chỉ đạo sát sao về nội dung, tổ chức giao ban hàng ngày. Các đồng chí thường vụ Trung ương Cục cũng được phân công viết bài để phát trên Đài. Những bút hiệu đã đi vào lòng biết bao quân, dân lúc bấy giờ là của các đồng chí Nguyễn Chí Thanh (bút danh Trường Sơn), Trần Độ (bút danh Cửu Long), Hoàng Văn Thái (bút danh Nam Hải), Trần Bạch Đằng (bút danh Đại Nghĩa)…

Đồng chí Phạm Hùng sau này thay đồng chí Nguyễn Chí Thanh làm Bí thư Trung ương Cục đã từng nhận định: “Trong điều kiện khó khăn của kháng chiến, báo chí bị hạn chế, Đài có tác dụng rất lớn: Một mặt nâng cao giác ngộ cách mạng, phát huy lòng yêu nước, truyền thống anh hùng, bất khuất nhân nghĩa của tổ tiên ta, một mặt vạch trần các âm mưu gian xảo, tố cáo các hành động dã man của quân xâm lược, trò hề mỵ dân của đế quốc Mỹ và bọn tay sai, động viên toàn dân chung sức chung lòng, đóng góp mọi khả năng để cứu nước, cứu nhà và cứu mình."

Với yêu cầu phải tăng cường thêm về nội dung, các chương trình của Đài Phát thanh Giải phóng phải đi xa hơn, Trung ương đã chỉ đạo cần phải có thêm Đài Phát thanh Giải phóng A để hỗ trợ và tăng cường cho Đài Phát thanh Giải phóng B khi ấy còn nhiều khó khăn và hoạt động trong sự uy hiếp, tìm diệt ngày đêm của kẻ thù.

[Photo] Đài Phát thanh Giải Phóng vinh dự nhận danh hiệu Anh hùng

Chỉ hơn 2 tháng sau khi Đài Phát thanh Giải phóng B cất tiếng tại miền Nam, ngày 30/4/1962, Đài Phát thanh Giải phóng A chính thức phát sóng tại Hà Nội.

Thời gian đó, tập thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên Đài Phát thanh Giải phóng A cũng đã làm việc rất vất vả trong khi địch đánh phá ác liệt miền Bắc. Đài cũng từng phải di chuyển hơn 10 lần và thay đổi mật danh 3 lần, bắt đầu từ “V 12,” rồi “C 55” và cuối cùng là “CP 90."

Khi mặt trận đấu tranh chính trị, ngoại giao chuyển sang giai đoạn mới, đòi hỏi yêu cầu và nhiệm vụ mới, Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định thành lập CP 90” cơ quan đặc biệt trực thuộc Ban Bí Thư thay C 55 làm nhiệm vụ của Đài Phát thanh Giải phóng B trên Đài Phát thanh Giải phóng A. Lúc này, Đài Phát thanh Giải phóng A đã phát triển thành 14 phòng, ban và sau năm 1972 thời lượng phát sóng đã là 10 tiếng một ngày cho tới ngày đất nước được hoàn toàn giải phóng.

Không chỉ đưa những bản tin về chiến đấu, chiến thắng ở vùng kháng chiến, Đài Phát thanh Giải phóng còn phát chương trình đọc truyện đêm khuya, chia sẻ những câu chuyện thực tế ở chiến trường mà quân và dân phải trải qua, có những bản tin đọc chậm để dân có thể nghe chậm hiểu sâu và có thể chép lại...

Chương trình ca nhạc sau mỗi bản tin đã phát những bài hát khích lệ tinh thần chiến đấu, yêu quê hương đất nước của các chiến sỹ và nhân dân.

Những thông tin được phát trực tiếp từ chiến trường bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài đã truyền đi thông điệp với cả thế giới về khát vọng hòa bình và độc lập, thống nhất đất nước, đồng thời vạch trần những âm mưu, tội ác của Mỹ-Ngụy.

Nhận rõ tác động của Đài phát thanh Giải phóng đối với cuộc kháng chiến của quân và dân ta, Mỹ-Ngụy không ngừng dùng mọi phương tiện hiện đại tìm dò địa điểm đặt Đài, dùng máy bay, pháo binh và cả bộ binh, biệt kích hòng tiêu diệt cho được. Tuy nhiên, cán bộ, nhân viên Đài Phát thanh Giải phóng vừa khắc phục khó khăn về phương tiện, kỹ thuật, vừa chiến đấu ngoan cường với giặc, đảm bảo làn sóng phát thanh không bị gián đoạn.

Nhà báo Đình Phong, cựu phóng viên Đài Phát thanh Giải phóng chia sẻ có lẽ cho đến nay, không một đài nào, báo nào trên thế giới như Đài phát thanh Giải phóng, 13 năm chưa một lần trả thù lao, nhuận bút cho bài viết, tác phẩm, có chăng chỉ là một gói trà, một bánh thuốc rê..., 13 năm không một buổi phát thanh nào ngưng nghỉ, dù chiến trường có ác liệt, chia cắt.

Thành tích trong chiến đấu, đau thương mất mát trong chiến tranh, ước mơ cháy bỏng về khát vọng hòa bình của mỗi xóm làng, mỗi con người miền Nam trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước không bao giờ thiếu trên làn sóng của Đài Phát thanh Giải phóng.

Trải qua 14 năm hoạt động (từ 1962-1976), Đài Phát thanh Giải phóng đã vượt qua nhiều khó khăn, thứ thách, xây dựng cơ sở vật chất, đội ngũ nhân lực vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao phó.

Nội dung thông tin tuyên truyền của Đài luôn bám sát công cuộc chiến đấu Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, là cầu nối thông tin ra thế giới, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng đánh giá: “Đài Phát thanh Giải phóng đã là vũ khí sắc bén, luôn luôn góp phần cổ vũ quân và dân trên các chiến trường, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, chiến đấu dũng cảm và mưu trí, đánh bại đế quốc Mỹ, dành thắng lợi hoàn toàn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất Tổ quốc, non sông thu về một mối, Nam-Bắc sum họp một nhà.”

Trực tiếp trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang cho Đài Phát thanh Giải phóng ngày 7/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đài Phát thanh Giải phóng đã thực sự là một mũi tiến công sắc bén, hết sức quan trọng, là tiếng nói của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Đài là tiếng nói chính nghĩa đến với đồng bào và chiến sỹ cả nước, với nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới nhằm làm cho cộng đồng quốc tế am hiểu hơn về cuộc kháng chiến chính nghĩa, toàn dân, toàn diện của đồng bào miền Nam, dân tộc Việt Nam đi tới toàn thắng.

Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước Đài nhận được hôm nay là vinh quang trước hết thuộc về 25 liệt sỹ đã ngã xuống trên các chiến trường cho làn sóng phát thanh giải phóng liên tục mạnh mẽ, vang xa. Đây cũng thể hiện sự tri ân sâu sắc đối với hơn 600 cán bộ, phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên, nghệ sỹ, kỹ thuật viên... các thời kỳ của Đài Phát thanh Giải phóng đã có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.

Với những thành tích và hoạt động dũng cảm trong kháng chiến, cùng với danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đài Phát thanh Giải phóng đã được tặng thưởng Huân chương Thành đồng cao quý của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và nhiều phần thưởng cao quý khác của Đảng và Nhà nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục