Họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Đề nghị thanh tra doanh nghiệp kinh doanh vàng

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng, làm rõ trách nhiệm nếu có hành vi thao túng thị trường.
Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng, kịp thời xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh và làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nếu có hành vi thao túng thị trường.

Nội dung này được Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình nêu trong Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 3/2024, tại phiên họp sáng 16/4.

Cử tri lo lắng về tình trạng xâm nhập mặn, nắng nóng gay gắt kéo dài

Theo ông Dương Thanh Bình, cử tri và nhân dân đánh giá cao những chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ góp phần giữ vững chủ quyền quốc gia, ổn định và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước trong tình hình quốc tế có nhiều biến động, khó khăn và phức tạp.

Cử tri và nhân dân cũng bày tỏ sự tin tưởng của Đảng và Nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân cả nước vào quyết tâm phòng, chống tham nhũng tiêu cực của Đảng và Nhà nước, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ."

Cử tri và nhân dân quan tâm, đánh giá cao việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn 2 nhóm vấn đề được cử tri quan tâm thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao; đánh giá cao việc tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5 để thảo luận, góp ý kiến về 8 dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Cử tri và nhân dân quan tâm, đánh giá cao kết quả chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và việc ký mới Thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Nhân đại toàn quốc Trung Quốc.

Cử tri và nhân dân bày tỏ tin tưởng rằng từ việc tăng cường phối hợp giữa hai Cơ quan lập pháp đến tạo khung pháp lý sẽ góp phần phát huy tiềm năng, thế mạnh trong hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước và củng cố nền tảng xã hội cho quan hệ hữu nghị Việt-Trung, đồng thời kỳ vọng những thành quả này sẽ góp phần làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ song phương.

Tại phiên họp, cử tri và nhân dân tiếp tục bày tỏ sự lo lắng về tình trạng vi phạm trật tự giao thông của một bộ phận thanh thiếu niên; tình trạng xâm nhập mặn, nắng nóng gay gắt kéo dài tại Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên; tình trạng sụt lún, sạt lở nghiêm trọng tại một số địa phương gây thiệt hại lớn đến tài sản, nhà ở của người dân; tình hình dịch bệnh truyền nhiễm vẫn diễn biến khó lường trong thời gian tới và tiếp tục có nguy cơ xuất hiện, lây lan các biến thể mới; các doanh nghiệp chế biến thủy-hải-sản, dệt may… thiếu đơn đặt hàng làm gia tăng thất nghiệp, thu nhập bấp bênh.

Cử tri và nhân dân cũng lo lắng tình trạng sau dịp Tết Nguyên đán có hiện tượng học sinh ở một số địa phương bỏ học, đặc biệt là học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tình trạng đánh bạc trên không gian mạng, bán hàng "chui" dưới hình thức hội thảo tập trung đối tượng là phụ nữ và người cao tuổi; một số vụ lừa đảo thông qua hoạt động góp vốn đầu tư hoặc mượn vốn đầu tư vẫn còn tiếp diễn tuy đã có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng nhưng việc thu hồi số tiền đã mất, khắc phục hậu quả gặp nhiều khó khăn...

Theo dõi sát biến động cung cầu, giá cả thị trường

Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết ngoài một số nội dung cử tri phản ánh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo, điều hành trong thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo một số nội dung.

Cụ thể, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan theo dõi sát biến động cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu để có biện pháp điều chỉnh phù hợp, tăng cường các hoạt động kiểm soát hàng hóa, bình ổn thị trường, tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng, kịp thời xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh và làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nếu có hành vi thao túng thị trường; có giải pháp kịp thời hỗ trợ các địa phương bị sụt lún, sạt lở đất về kinh phí và giải pháp xử lý, khắc phục tình trạng sụt lún, sạt lở đất nhằm bảo vệ tài sản, tính mạng cho người dân, bảo vệ hệ thống công trình giao thông, thủy lợi phục vụ sản xuất, nuôi trồng thủy sản; có giải pháp quy hoạch lại hệ thống giao thông, thủy lợi, bố trí lại sản xuất và dân cư theo hướng đồng bộ, hiệu quả...

Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình trình bày báo cáo tại phiên họp. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục có giải pháp triển khai có hiệu quả việc phòng, chống cháy rừng; phòng chống xâm nhập mặn và đảm bảo nguồn cung nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Bộ Công an tiếp tục tăng cường công tác đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm, có tính chất răn đe đối với tội phạm lừa đảo, đánh bạc trên không gian mạng; chỉ đạo Công an các tỉnh, thành phố tăng cường các hoạt động tuần tra, kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm đối với các trường hợp thanh thiếu niên có hành vi phóng nhanh, vượt ẩu, điều khiển xe lạng lách, đánh võng, nẹt pô khiến người dân rất bức xúc và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Bộ Y tế tăng cường công tác chỉ đạo về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn ngay từ đầu khi xuất hiện dấu hiệu lây lan dịch bệnh…

Qua thảo luận, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Báo cáo công tác dân nguyện tháng 3/2024. Báo cáo được tổng hợp trên cơ sở báo cáo các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, sự phối hợp cung cấp thông tin của các cơ quan Trung ương như Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự cố gắng Ban Dân nguyện trong việc theo dõi, đôn đốc, nhất là sự chủ động làm việc với 3 Bộ: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông để đánh giá nguyên nhân việc chậm trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Chính phủ chỉ đạo sát sao việc hàng tháng trên cơ sở kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có văn bản chỉ đạo kịp thời.

Nhìn chung, tình hình công tác dân nguyện nói chung, trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo có tiến bộ so với các kỳ trước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục