Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) vừa công bố bảng xếp hạng thị phần môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền có bảo đảm quý 3/2021.
Tốp 10 công ty chứng khoán có thị phần môi giới lớn nhất trên HOSE không có sự thay đổi so với quý trước đó.
Dẫn đầu bảng xếp hạng này vẫn là Công ty cổ phần Chứng khoán VPS, với 16,5% thị phần, tăng nhẹ so với mức 16,4% ở cuối quý 2. Đây cũng là quý thứ 3 liên tiếp VPS nắm giữ ngôi vị này.
Trước đó, vào quý 1/2021, VPS bất ngờ “vươn lên” trở thành công ty chứng khoán có thị phần môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ lớn nhất trên HOSE với 13,24% thị phần.
Kết quả này được cho là nhờ VPS áp dụng nhiều chính sách ưu đãi cho khách hàng khi giao dịch, đẩy mạnh phát triển môi giới cá nhân...
Ở vị trí thứ 2 vẫn là Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, giữ 11,58% thị phần, cũng tăng nhẹ so với mức 10,97% ở cuối quý 2.
[Hoạt động niêm yết mới trên sàn HOSE nhộn nhịp trở lại]
Hai vị trí tiếp theo có sự hoán đổi giữa Công ty cổ phần Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC) và Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect (VNDS). Nếu như ở quý 2/2021, vị trí thứ 3 thuộc về HSC, thì nay là VNDS với 7,72% thị phần. HSC đứng thứ 4 với 6,79% thị phần, giảm nhẹ so với mức 7,05% ở quý trước đó.
Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) tiếp tục đứng ở vị trí thứ 5, giữ 4,9% thị phần môi giới trên HOSE.
Các vị trí sau đó là Công ty Cổ phần Chứng khoán Kỹ Thương; Công ty Cổ phần Chứng khoán MB; Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam; Công ty Cổ phần Chứng khoán FPT và Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam với thị phần dao động từ 3-5%.
Dù không có quá nhiều cách biệt, song có sự cạnh tranh về thị phần khá đáng kể giữa các công ty chứng khoán. Chẳng hạn, trong quý 3/2021, Mirae Asset để vuột mất vị trí thứ 6, xuống vị trí thứ 8 với 3,94% thị phần, dù chỉ giảm nhẹ so với mức 4,56% ở cuối quý 2.
Trong quý 3/2021, diễn biến thị trường chung không mấy tích cực, khi các chỉ số đều điều chỉnh sâu trong tháng 7, chỉ số VN-Index tăng trở lại ở tháng 8 nhưng lại giảm trong tháng 9.
Chốt phiên giao dịch cuối cùng của quý III, VN-Index đứng ở mức 1.342,06 điểm, tương ứng giảm 66,49 điểm (-4,72%) so với thời điểm cuối quý 2.
Giao dịch của khối ngoại cũng là điểm tiêu cực của thị trường khi tổng khối lượng bán ròng ở mức 157,4 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là 9.863 tỷ đồng.
SSI Research đánh giá, diễn biến bán ròng mạnh ở thị trường Việt Nam mang tính chất tạm thời và phù hợp với tình hình khó lường của dịch bệnh. Việc VND tăng giá đáng kể so với các đồng tiền khác trong khu vực cũng khiến cho nhu cầu đầu tư mới vào Việt Nam bị hạn chế.
Trước những biến động của thị trường, một số công ty chứng khoán hiện đã tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ môi giới, cải thiện chất lượng sản phẩm, chú trọng đào tạo kiến thức, nâng cao hiểu biết, khả năng quản trị rủi ro cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư mới; đồng thời, phân nhóm khách hàng để có những dịch vụ phù hợp, sát với nhu cầu.../.