Houthi không phản đối đề nghị gia hạn lệnh ngừng bắn ở Yemen

Lệnh ngừng bắn trên toàn quốc kéo dài 2 tháng giữa liên quân Arab do Saudi Arabia dẫn đầu và phong trào Houthi được Iran hậu thuẫn có hiệu lực từ ngày 2/4 vừa qua và nhìn chung được tuân thủ đầy đủ.
Các tay súng trung thành với Phong trào Houthi diễu binh trên đường phố thủ đô Sanaa, Yemen. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Người đứng đầu Hội đồng Chính trị Tối cao của phong trào Houthi ở Yemen - ông Mahdi al-Mashat ngày 22/5 tuyên bố Houthi không phản đối đề nghị gia hạn lệnh ngừng bắn do Liên hợp quốc làm trung gian, bất chấp việc mô tả thỏa thuận này là “không đủ khích lệ."

Lệnh ngừng bắn trên toàn quốc kéo dài 2 tháng giữa liên quân Arab do Saudi Arabia dẫn đầu và phong trào Houthi được Iran hậu thuẫn có hiệu lực từ ngày 2/4 vừa qua và nhìn chung được tuân thủ đầy đủ.

Liên hợp quốc hiện tìm cách kéo dài thỏa thuận này nhằm mở đường cho tiến trình thương lượng chính trị với sự tham gia của tất cả các bên ở Yemen để chấm dứt cuộc chiến kéo dài 7 năm, khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng và gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng.

Trong bài phát biểu được phát sóng trên kênh truyền hình Al-Masirah của phong trào Houthi, ông Mashat bày tỏ: “Chúng tôi khẳng định rằng chúng tôi không phản đối đề nghị gia hạn lệnh ngừng bắn, nhưng không thể chấp nhận bất cứ thỏa thuận ngừng bắn nào mà trong đó, sự đau khổ của nhân dân chúng tôi vẫn tiếp diễn. Tôi yêu cầu một sự hợp tác chân thành và đáng khích lệ - nhân tố dẫn đến sự cải thiện các lợi ích nhân đạo và kinh tế trong bất cứ thỏa thuận ngừng bắn nào sắp tới."

Liên quân Arab do Saudi Arabia dẫn đầu đã can thiệp vào Yemen từ năm 2015 để chống lại Houthi sau khi lực lượng này đánh bật Chính phủ Yemen được cộng đồng quốc tế công nhận khỏi thủ đô Sana’a.

[Yemen: Phong trào Houthi cân nhắc gia hạn lệnh ngừng bắn]

Lệnh ngừng bắn do Liên hợp quốc làm trung gian đã mang lại một tia hy vọng ở Yemen - nơi chiến tranh kéo theo sự sụp kinh tế đã khiến hàng triệu người dân phải đối mặt với nạn đói, đồng thời cũng tạo cơ hội cho Riyadh rút khỏi cuộc xung đột “hao người tốn của” và là một tác nhân gây căng thẳng trong quan hệ song phương với Washington.

Cũng trong ngày 22/5, phong trào Houthi đã cử các đại diện đến thủ đô Amman của Jodan tham gia cuộc đàm phán do Liên hợp quốc bảo trợ để thảo luận về khả năng chấm dứt tình trạng bao vây thành phố Taiz.

Kênh Al-Masirah đưa tin phái đoàn trên đã rời thủ đô Sana’a, hiện nằm dưới quyền kiểm soát của Houthi, bằng máy bay của Liên hợp quốc.

Thành phố Taiz, thuộc quyền kiểm soát của Chính phủ Yemen, đã bị bao vây kể từ khi cuộc nội chiến bùng phát ở quốc gia Trung Đông vào cuối năm 2014.

Quyết định chấm dứt tình trạng bao vây sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động di chuyển của người dân và cho phép tiếp cận viện trợ nhân đạo.

Chấm dứt tình trạng bao vây cũng là điều khoản quan trọng cuối cùng được thực hiện theo thảo thuận giữa các bên đối địch trong cuộc nội chiến ở Yemen, trước khi bước vào thực thi lệnh ngừng bắn do Liên hợp quốc làm trung gian.

Các bên đối địch cũng nhất trí nối lại những chuyến bay thương mại đến và đi từ Sân bay Sana’a do Houthi kiểm soát, đồng thời cho phép các tàu chở nhiên liệu cập cảng do phong trào này nắm giữ ở thành phố Hodeidah.

Cả hai thỏa thuận vừa đề cập đã có được nhiều bước đột phá trong những tuần vừa qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục