Hướng tới một nền bóng đá Việt Nam chuyên nghiệp, chất lượng hơn

Năm 2022 dự báo sẽ tiếp tục là một năm rất bận rộn của bóng đá Việt Nam với nhiều bài toán đặt ra trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn những diễn biến khó lường.
CLB Hòa Bình (áo vàng) và đội khách CLB Hải Nam Vĩnh Yên - Vĩnh Phúc (áo xanh) trong trận Khai mạc Giải bóng đá hạng Nhì quốc gia - Cúp Asanzo 2021. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Mùa giải bóng đá chuyên nghiệp 2021 đã buộc phải dừng lại do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Mùa bóng dang dở là điều khiến tất cả các bên liên quan, nhất là câu lạc bộ, cầu thủ và người hâm mộ cảm thấy nuối tiếc.

Thời gian bước sang mùa bóng 2022 không còn nhiều, các bên cần nhìn lại, củng cố, bổ sung những thiếu sót để hướng tới một mùa giải mới chuyên nghiệp và chất lượng hơn.

Lần đầu... dang dở

Dịch COVID-19 khiến mọi mặt của đời sống xã hội bị ảnh hưởng, thể thao, trong đó có bóng đá cũng không ngoại lệ.

Ngày 31/1, để đảm bảo an toàn đối với các cầu thủ và thành viên tham gia giải đấu, Ban Điều hành các Giải Bóng đá chuyên nghiệp quốc gia 2021 quyết định tạm dừng Giải Bóng đá vô địch quốc gia - LS 2021 (V.League 2021) ở vòng 4 của giai đoạn 1.

Hơn một tháng sau, 5 cặp đấu bù của vòng 3 V.League 2021 mới trở lại, khi ấy các cơ quan phụ trách, câu lạc bộ, cầu thủ, cả người hâm mộ đều háo hức, mong chờ ngày trái bóng lăn.

Nhưng bóng chỉ lăn được thêm chưa đến 10 vòng đấu, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ngày 6/5, Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), Ban điều hành giải lại phải thông báo tạm dừng giải đấu ngay trước ngày các Câu lạc bộ bước vào vòng đấu quyết định để phân chia nhóm trụ hạng và nhóm đua vô địch.

Ban điều hành giải đã quyết định tạm dừng Giải Bóng đá hạng Nhất quốc gia 2021 từ vòng 8.

Cũng trong khoảng thời gian này, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam phải đưa ra quyết định khó khăn, chính thức dừng tổ chức hai trận đấu tranh hạng Ba giữa Than khoáng sản Việt Nam và Phong Phú Hà Nam; Chung kết giữa đội Hà Nội I WATABE và đội Thành phố Hồ Chí Minh I trong khuôn khổ Giải Bóng đá Nữ Cúp quốc gia 2021.

Giải Bóng đá hạng Nhì quốc gia 2021 được Liên đoàn Bóng đá Việt Nam quyết định tạm dừng từ lượt trận thứ 2 do ảnh hưởng của dịch bệnh...

Trong năm 2021, tổng cộng có137 trận đấu được diễn ra gồm có: 1 trận Siêu cúp Quốc gia 2020; 12 vòng đấu với 84 trận đấu tại Giải vô địch quốc gia - LS 2021; 7 vòng đấu với 41 trận đấu tại Giải hạng Nhất quốc gia LS-2021 (1 trận đấu tại Vòng 7 bị hoãn); Vòng loại với 11 trận đấu tại Giải Cúp quốc gia Bamboo Airway 2021.

Căn cứ theo nội dung Nghị quyết và Thông báo chính thức của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam ban hành ngày 23/9, mùa giải 2021 không công nhận danh hiệu tập thể và cá nhân theo Điều lệ tại các Giải Bóng đá vô địch quốc gia-LS 2021, Giải Bóng đá hạng Nhất quốc gia LS-2021 và Giải Bóng đá Cúp quốc gia Bamboo Airways 2021. Đồng thời, mùa giải này không áp dụng suất lên-xuống hạng tại các Giải Bóng đá vô địch quốc gia LS-2021 và Giải Bóng đá hạng Nhất quốc gia LS-2021.

Kết quả chuyên môn của các Câu lạc bộ đến hết vòng 12 Giải Bóng đá vô địch quốc gia LS-2021 là cơ sở để báo cáo Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) trong việc xác định đại diện Việt Nam tham dự các giải đấu cấp câu lạc bộ AFC năm 2022 dựa trên tiêu chuẩn cấp phép hiện hành của AFC.

Còn những tồn tại cần được loại bỏ

Các giải bóng đá chuyên nghiệp 2021, bên cạnh những mặt đạt được, giải đấu vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục, rút kinh nghiệm để hoàn thiện ở mùa giải 2022.

Việc dừng giải chưa được quy định cụ thể, gây nhiều khó khăn cho Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam và Ban điều hành Giải trong quá trình xử lý, giải quyết các công việc liên quan.

Một số sân vận động cần sớm khắc phục cơ sở vật chất như hệ thống phòng chức năng, sân thi đấu, sân tập… để đáp ứng yêu cầu của bóng đá chuyên nghiệp, đồng thời, tình trạng một số cầu thủ, quan chức của câu lạc bộ vi phạm Quy tắc đạo đức nghề nghiệp như có lối chơi bạo lực, triệt hạ cầu thủ đối phương trong thi đấu cũng như các hành vi phản ứng thái quá với trọng tài... vẫn còn tồn tại.

Mặt bằng chuyên môn không đồng đều giữa các trọng tài, thiếu trọng tài có trình độ chuyên môn, bản lĩnh cao để điều hành các trận đấu khó dẫn đến vẫn còn sai sót xảy ra.

[Nhức nhối vấn nạn bóng đá bạo lực trong các trận đấu ở V-League]

Trong năm 2021, không ít lần án phạt dành cho các cầu thủ, câu lạc bộ… đã được đưa ra. Ngay tại vòng 1 V.League 2021, cầu thủ Đinh Văn Trường của Câu lạc bộ Nam Định phạm lỗi nghiêm trọng với cầu thủ Đỗ Hùng Dũng đã bị phạt 7,5 triệu đồng và đình chỉ thi đấu 2 trận kế tiếp; phạt 15 triệu đồng và đình chỉ thi đấu 3 trận kế tiếp đối với cầu thủ Phan Thế Hưng của Câu lạc bộ Nam Định do phạm lỗi nghiêm trọng với cầu thủ Nguyễn Công Thành của Câu lạc bộ Sài Gòn.

Cầu thủ Hoàng Vũ Olaleye Samson của Câu lạc bộ Đông Á Thanh Hóa bị phạt 15 triệu đồng và “treo giò” 3 trận do phạm lỗi nghiêm trọng với cầu thủ Nguyễn Tuấn Mạnh của Câu lạc bộ SHB Đà Nẵng…

Hoàng Vũ Samson đạp thẳng vào thủ môn Tuấn Mạnh. (Ảnh: Minh Hoàng)

Nghiêm trọng nhất là cầu thủ Ngô Hoàng Thịnh của Câu lạc bộ Thành phố Hồ Chí Minh bị phạt 40 triệu đồng và bị đình chỉ tham gia hoạt động bóng đá do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam quản lý, tổ chức đến hết năm 2021 do có hành vi xâm phạm thân thể trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng với cầu thủ Đỗ Hùng Dũng của Câu lạc bộ Hà Nội trong trận đấu ngày 23/3 tại giải V.League 2021.

Ngoài các cầu thủ, nhiều Câu lạc bộ cũng nhận án phạt, trong đó, Câu lạc bộ Becamex Bình Dương bị phạt 4 triệu đồng do có 7 người bị phạt thẻ vàng trong trận đấu với Đông Á Thanh Hóa ngày 16/1.

Câu lạc bộ Viettel bị phạt 2 triệu đồng do có 5 cầu thủ bị phạt thẻ vàng trong trận đấu với Sông Lam Nghệ An ngày 28/3. SHB Đà Nẵng có 5 cầu thủ phải nhận thẻ vàng trong trận đấu với Đông Á Thanh Hóa ngày 29/3, bi phạt 3 triệu đồng…

Chỉ trong 12 vòng đấu giai đoạn 1 của V.League 2021, trọng tài đã phải rút ra 15 thẻ đỏ, trên 340 thẻ vàng. Gần như tất cả các trận đấu của V.League 2021 đã diễn ra không có trận nào mà những “ông vua áo đen” không phải rút ra tấm phạt.

Vẫn biết rằng trong bóng đá, tính quyết liệt luôn đem tới hứng khởi cho khán giả, nhưng “quyết liệt quá mức” như trận đấu ở vòng 1 giữa hai Câu lạc bộ Becamex Bình Dương gặp Đông Á Thanh Hóa có tới 8 thẻ vàng; Sông Lam Nghệ An gặp Topenland Bình Định 8 thẻ vàng, 1 thẻ đỏ hay trận đấu giữa Nam Định và Thành phố Hồ Chí Minh ở vòng 10, mỗi đội chia nhau nhận 4 thẻ vàng, 1 thẻ đỏ… khiến giới chuyên môn và người hâm mộ ái ngại.

Hướng tới bóng đá có chất lượng, chuyên nghiệp hơn

Ông Nguyễn Minh Ngọc, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, nhấn mạnh mùa giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia 2021 bị dừng giữa chừng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 là một điều thực sự đáng tiếc.

Công ty và Ban điều hành Giải cũng như tất cả các câu lạc bộ đều không mong muốn điều này. Tất cả đều đang cùng nỗ lực vượt qua khó khăn, có bước chuẩn bị tốt nhất cho mùa giải năm 2022 và những năm tiếp theo.

Nhưng việc dừng giải đấu không có nghĩa là phủ nhận nỗ lực của các bên liên quan trong công tác tổ chức 137 trận đấu đã diễn ra của mùa giải năm 2021. Theo đó, trong năm 2021, công tác tổ chức trận đấu của các Ban Tổ chức địa phương và câu lạc bộ đảm bảo tốt theo quy định, góp phần mang đến nhiều hình ảnh đẹp cho giải đấu.

Nhiều Câu lạc bộ đã tận dụng quãng thời gian đầu mùa giải cũng như thời gian giải tạm nghỉ do dịch bệnh để nâng cấp, cải tạo hệ thống cơ sở vật chất, đặc biệt là mặt sân thi đấu như sân vận động Quy Nhơn, Thanh Hóa, Vinh, Lạch Tray, Thống Nhất, Nam Định.

Công tác phòng, chống dịch COVID-19 được áp dụng triển khai tích cực, hiệu quả và nghiêm túc, đảm bảo an toàn cho các thành viên tham dự và khán giả đến sân.

Một pha tranh chấp bóng quyết liệt của cầu thủ Câu lạc bộ Nam Định và Sông Lam Nghệ An trong trận thi đấu cuối cùng tại vòng 7 Giải Bóng đá Vô địch quốc gia LS 2021. (Ảnh: Công Luật/TTXVN)

Ngoài ra, công tác an ninh, an toàn được bảo đảm tốt, không xảy ra sự việc phát sinh nổi cộm, các trận đấu diễn ra an toàn, đặc biệt trên một số sân có lượng khán giả luôn ở mức cao như sân Thiên Trường, Quy Nhơn….Tình trạng đốt pháo sáng tại các trận đấu giảm thiểu so với những mùa giải trước.

Để hướng tới mùa giải mới có chất lượng tốt, chuyên nghiệp hơn, cơ quan chủ quản tập trung vào nhiều nhiệm vụ trọng tâm như việc xây dựng phương án thi đấu để thích ứng với những diễn biến mới của dịch COVID-19.

Căn cứ quỹ thời gian dành cho các Giải Bóng đá chuyên nghiệp quốc gia năm 2022, Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đã xây dựng hai phương án thi đấu. Phương án 1 thi đấu theo thể thức đã triển khai tại mùa giải 2020-2021 (20 vòng), thời gian từ tháng 2-10/2022.

Phương án 2 là thi đấu theo thể thức vòng tròn hai lượt (26 vòng), thời gian từ tháng 2-11/2022. Ngoài các phương án nêu trên, Công ty còn xây dựng các kế hoạch thi đấu dự phòng để phù hợp với diễn biến dịch COVID-19.

Công ty dự kiến sẽ triển khai kế hoạch khảo sát, đánh giá công tác chuẩn bị mùa giải 2022 từ ngày 20/11 đến ngày 20/12. Hội thảo công tác chuẩn bị và lễ bốc thăm, xếp lịch mùa giải 2022 dự kiến diễn ra ngày 15/12.

Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng đá Việt Nam Lê Hoài Anh nhấn mạnh, năm 2022 dự báo sẽ tiếp tục là một năm rất bận rộn của bóng đá Việt Nam với nhiều bài toán đặt ra trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn những diễn biến khó lường.

Do đó, ông đề nghị Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam để thực hiện tốt việc chuẩn bị đầu mùa giải, đặc biệt là tập huấn giám sát, trọng tài để đảm bảo cải thiện và nâng cao chất lượng trọng tài.

Cùng với đó là việc bổ sung, hoàn thiện nội dung Quy chế bóng đá chuyên nghiệp, trình các cấp có thẩm quyền nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển bóng đá chuyên nghiệp.

Dịch COVID-19 sẽ chưa thể chấm dứt trong thời gian tới, bóng đá buộc phải thay đổi để thích ứng điều kiện mới như việc áp dụng nguyên tắc “bong bóng khép kín.” Một số trận đấu được tổ chức theo hình thức không khán giả để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19.

Để hướng tới một nền bóng đá chuyên nghiệp hơn, chắc hẳn các ngành chức năng, Ban Tổ chức, các Câu lạc bộ sẽ đưa ra quyết sách phù hợp để nâng cao chất lượng chuyên môn, công tác tổ chức. Đồng thời, việc điều chỉnh cách hành xử của các cầu thủ cần được chú trọng, để khi bóng đá Việt Nam ra “biển lớn” sẽ không còn những tình huống đáng tiếc có thể xảy ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục