Hy Lạp đệ trình kế hoạch kinh tế không kèm chính sách khắc khổ

Ngày 30/1, tân Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã đệ trình lên Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) Martin Schulz một kế hoạch cải cách quy mô.
Người lao động đình công tại thủ đô Athens ngày 27/11/2014. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 30/1, tân Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã đệ trình lên Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) Martin Schulz một kế hoạch cải cách quy mô, nhằm tiến tới đàm phán lại về nợ quốc gia và chính sách kinh tế "thắt lưng buộc bụng" của nước này.

Thủ tướng Alexis Tsipras khẳng định, Chính phủ Hy Lạp đã xây dựng được một kế hoạch khôi phục lại tăng trưởng kinh tế mà không cần phải áp dụng các biện pháp khắc khổ như 5 năm qua.

Đại diện Nội các Hy Lạp Gavriil Sakellaridis tiết lộ, kế hoạch bao gồm các nhiệm vụ đấu tranh chống tham nhũng, cải cách quản lý nhà nước, triển khai hệ thống thuế ổn định và công bằng trên cơ sở lập danh mục các tài sản lớn của người dân.

Kế hoạch trên sẽ được triển khai theo các định hướng chính như lập lại cân bằng ngân sách, tiến tới giảm "các mục tiêu không khả thi," thứ hai là tài trợ cho chương trình tái thiết quốc gia bao hàm một thỏa thuận mới với châu Âu.

Đáng chú ý nhất đối với phía châu Âu đồng thời đang là chủ nợ của Hy Lạp là định hướng thi hành biện pháp đảm bảo nợ công ổn định và sử dụng phương án xóa phần lớn nợ, kiểm soát chi trả lãi nợ quốc gia đồng thời ra quy định về việc nợ sẽ được trả tùy theo tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Về phần mình, Chủ tịch EP Martin Schulz hoan nghênh dự định thảo luận với các đối tác châu Âu về vấn đề hỗ trợ tài chính của Chính phủ Hy Lạp.

Bên cạnh đó, ông Schulz cho biết, các đề xuất của Hy Lạp sẽ được thảo luận tại Brussels và có thể sẽ gây ra nhiều bất đồng và xung đột.

Người đứng đầu Nghị viện châu Âu cũng hoan nghênh quyết tâm chống tham nhũng và trốn thuế của Chính phủ Hy Lạp, đồng thời hy vọng đất nước bên bờ Địa Trung Hải sẽ tiếp tục đường lối phát triển châu Âu.

Thủ tướng Alexis Tsipras lên nắm quyền khi đảng cánh tả cấp tiến đối lập Syriza thắng cử hôm 25/1.

Ngay lập tức Hy Lạp đã khiến cả Liên minh châu Âu (EU) phải lo ngại trước những tuyên bố chấm dứt chính sách kinh tế khắc khổ đổi lấy cứu trợ kinh tế mà Athens thi hành 5 năm qua, đồng thời ngừng các chương trình hợp tác với Nhóm Bộ trưởng Tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu, còn gọi là Eurogroup, đồng thời làm dấy lên những lo ngại về khả năng Hy Lạp rời khỏi Eurozone.

Chỉ một ngày sau cuộc bầu cử, trên thị trường thế giới, đồng euro đã "rớt" giá xuống mức thấp nhất trong vòng 11 năm qua so với đồng USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục