Hy Lạp quay trở lại các thị trường trái phiếu sau 3 năm

Có thông tin cho rằng Hy Lạp đang tìm cách huy động các nguồn vốn với chi phí thấp, đánh dấu một thắng lợi mang tính biểu tượng của quốc gia Nam Âu này.
Ngân hàng Hy Lạp ở thủ đô Athens ngày 25/7. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 25/7, Hy Lạp đã lần đầu tiên quay lại các thị trường trái phiếu sau 3 năm trong bối cảnh có nhiều thông tin cho rằng nước này đang tìm cách huy động các nguồn vốn với chi phí thấp, đánh dấu một thắng lợi mang tính biểu tượng của quốc gia Nam Âu này.

Hãng thông tấn Hy Lạp (ANA) cho biết trái phiếu Chính phủ Hy Lạp có thời hạn 5 năm được giao dịch với mức lãi suất là 4,875%.

Con số này thấp hơn mức lãi suất 4,95% của đợt trái phiếu có thời hạn 5 năm phát hành năm 2014 và đây cũng là chính là mục tiêu mà Chính phủ Hy Lạp đang hướng tới.


[Hy Lạp sẽ sớm "tạm biệt" chương trình thắt lưng buộc bụng]

Mặc dù Hy Lạp vẫn chưa cần gom tiền từ thị trường trái phiếu, do nước này đang nhận được sự hỗ trợ mới trong gói cứu trợ tài chính quốc tế dự kiến kéo dài sang năm tới, tuy nhiên, đây là bước ngoặt cho thấy Hy Lạp đang dần tự mình tách khỏi gói cứu trợ trên.

Sau cuộc gặp với Tổng thống Hy Lạp Prokopis Pavlopoulos tại thủ đô Athens ngày 25/7, Ủy viên châu Âu phụ trách kinh tế Pierre Moscovici bày tỏ tin tưởng rằng Hy Lạp có thể tự huy động tài chính trên thị trường ở mức phù hợp.

Ông cho rằng việc xóa nợ sẽ diễn ra một khi Hy Lạp thực hiện thành công và hoàn tất các cải cách đã cam kết trong khuôn khổ chương trình cứu trợ.

Vấn đề xóa nợ cũng là bất đồng chính giữa Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras và các thành viên Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), khiến thỏa thuận giải ngân gần đây nhất bị trì hoãn.

Động thái trên của Hy Lạp diễn ra vài tháng sau khi chương trình gói cứu trợ cho nước này được nới lỏng. Đầu tháng này, các Bộ trưởng tài chính khu vực Eurozone đã thông qua quyết định giải ngân thêm 8,5 tỷ euro trong khuôn khổ gói cứu trợ thứ 3 cho Hy Lạp, kịp thời điểm để nước này thanh toán khoản nợ gần 7 tỉ euro đáo hạn vào giữa tháng này.

Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) cũng sẽ tiếp tục cho Hy Lạp vay với lãi suất thấp (0,8-1,8%) cho đến khi chương trình cứu trợ kết thúc vào tháng 7/2018.

Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tuần trước đã thông qua chương trình cho vay trị giá 1,8 tỷ USD với thời hạn 1 năm cho Hy Lạp. Đáng chú ý, IFM cũng đạt được thỏa thuận nhằm thực hiện cam kết giảm bớt khoản nợ 314 tỷ euro cho Hy Lạp.

Một dấu hiệu nữa cho thấy Hy Lạp đang chuyển mình là nền kinh tế nước này được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức 2,1% trong năm nay, sau khi có mức tăng trưởng bằng 0 trong cả năm 2016. Điều này cho phép Athens có thể kiểm tra mức độ tín nhiệm của mình trên thị trường mà không gặp phải rủi ro tài chính lớn nào./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục