Báo cáo ngày 21/1 của Quỹ Tiền Tệ Quốc tế (IMF) cho biết, đà trượt giảm của giá dầu thế giới sẽ khiến các nhà xuất khẩu năng lượng chủ lực thuộc Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) chịu tổn thất khoảng 300 triệu USD, đe dọa đẩy nhiều nước vào cảnh thâm hụt ngân sách.
Theo IMF, trong số các nhà xuất khẩu dầu thuộc GCC, chỉ Kuwait có khả năng duy trì thặng dư ngân sách trong năm nay. Các nước Saudi Arabia, Bahrain, Oman, Qatar và Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) đều sẽ chứng kiến tình trạng thâm hụt ngân sách.
Ngoài ra, thể chế tài chính quốc tế này cũng dự báo rằng các nước xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt khác tại khu vực Trung Đông, bao gồm Iran, Iraq, Algeria, Libya và khu vực Trung Á, cũng sẽ mất khoảng 125 tỷ USD do giá dầu hạ thấp và hầu hết các nước này, trừ Turkmenistan và Uzbekistan, cũng sẽ chịu thâm hụt ngân sách trong năm 2015.
IMF nhấn mạnh, phần lớn các nước xuất khẩu dầu mỏ trên thế giới đều cần giá dầu phục hồi ít nhất về mức 57 USD/thùng nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu chi tiêu công trong năm 2015, vốn có xu hướng gia tăng trong vài năm gần đây do áp lực xã hội và các mục tiêu phát triển cơ sở hạ tầng.
Giá dầu thế giới đã giảm hơn 50% kể từ tháng 6/2014. Đây là một tin xấu đối với các nền kinh tế vốn phụ thuộc lớn vào hoạt động xuất khẩu "vàng đen", song nó lại là một "vận may" đối với các nhà nhập khẩu mặt hàng chiến lược này, đồng thời cũng tạo thêm lực đẩy cho đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu./.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế nhận định GCC vẫn vững vàng khi giá dầu giảm
Nền kinh tế của các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) vẫn sẽ đứng vững, bất chấp việc giá dầu thô đã giảm xuống dưới ngưỡng 60 USD/thùng lần đầu tiên kể từ năm 2009.