Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 5/10 đã phê duyệt khoản viện trợ khẩn cấp mới cho 28 quốc gia nghèo nhất thế giới nhằm giúp những nước này giảm bớt gánh nặng nợ và ứng phó tốt hơn với tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Khoản viện trợ trên dự kiến giúp các quốc gia trả nợ cho IMF trong 6 tháng tới và hỗ trợ các nguồn tài chính đang cạn kiệt cho các vấn đề y tế khẩn cấp cũng như các nỗ lực cứu trợ khác trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Đây là đợt viện trợ thứ 2 của IMF cho các nước nghèo. Trước đó, tháng 4 vừa qua, IMF cũng đã có động thái tương tự đối với 25 nước.
[LHQ kêu gọi tiếp tục giảm nợ cho các nước đang phát triển do COVID-19]
Danh sách 28 quốc gia được nhận viện trợ lần này từ IMF gồm Afghanistan, Benin, Burkina Faso, Burundi, Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa Chad, Comoros, Cộng hòa Dân chủ Congo, Djibouti, Ethiopia, Gambia, Guinea, Guinea-Bissau, Haiti, Liberia, Madagascar, Malawi, Mozambique, Nepal, Niger, Rwanda, São Tomé và Príncipe, Sierra Leone, Quần đảo Solomon, Tajikistan, Tanzania, Togo và Yemen.
Việc giãn nợ được thực hiện thông qua Quỹ Cứu trợ và Phòng ngừa thảm họa (CCRT), cơ chế cho phép IMF cung cấp viện trợ cho các quốc gia nghèo và dễ bị tổn thương nhất trước tác động của thiên tai hoặc khủng hoảng y tế.
Tùy thuộc nguồn vốn của CCRT, các khoản viện trợ có thể được giải ngân trong thời gian 2 năm đến giữa tháng 4/2022 với tổng số tiền ước tính 959 triệu USD.
Mục tiêu của IMF là cấp cho CCRT 1,4 tỷ USD để quỹ này có thể đáp ứng được những nhu cầu trong tương lai.
Đến nay, CCRT có sẵn 506,5 triệu USD do một số quốc gia đóng góp, trong đó có Anh, Nhật Bản, Đức, Hà Lan, Thụy Sĩ, Na Uy, Trung Quốc, Mexico, Thụy Điển, Bulgaria, Luxembourg và Malta./.