Bộ đôi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) được đánh giá là hai cột chống đỡ cấu trúc kinh tế và tài chính thế giới.
Tuy nhiên, vai trò của hai tổ chức này trong nền kinh tế toàn cầu đang phai nhạt dần những năm gần đây. Sự ra đời của một số thể chế tài chính mới do các nền kinh tế mới nổi thúc đẩy càng làm gia tăng áp lực đối với IMF, WB và buộc hai thể chế tài chính này phải chuyển mình cải tổ.
Hào quang lu mờ dần
Kể từ khi ra đời năm 1944, IMF và WB được giao sứ mệnh giải quyết các vấn đề liên quan đến kinh tế và tập trung vào việc củng cố cũng như phát triển nền kinh tế các nước. Những “đồng vàng” của WB và “đơn thuốc” của IMF đã từng cứu nguy và hỗ trợ sự phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới, góp phần quan trọng vào việc ổn định hệ thống tài chính toàn cầu.
Tuy nhiên, hiện một số chuyên gia lên tiếng chỉ trích rằng IMF và WB chưa thật chuẩn xác trong những dự đoán hay cảnh báo về tình hình kinh tế và bị động trong ứng phó với các cuộc khủng hoảng. Khi cuộc khủng hoảng nợ công lan rộng ở châu Âu, IMF và WB dường như không có được một kế hoạch tổng thể và giải pháp rõ ràng. Thay vào đó, hai tổ chức này chỉ thụ động phối hợp chi tiền giải cứu cho từng quốc gia riêng lẻ.
Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng hoạt động thiếu hiệu quả của IMF và WB được cho là do hai tổ chức này đã đi lệch trọng tâm sứ mệnh ban đầu và ngày càng bị chính trị hóa. Biểu hiện rõ nét là việc áp đặt những điều kiện cho vay khắt khe đối với các nước đang phát triển.
Theo một số chuyên gia, IMF và WB chỉ phục vụ lợi ích của một số ít quốc gia và không tập trung vào mục tiêu chính của mình. Do đó, hai cơ quan này đã không thể phát hiện kịp thời những nguy cơ tiềm ẩn trong hệ thống tài chính toàn cầu và không thể đưa ra những cảnh báo kịp thời cũng như giải pháp hữu hiệu.
Hơn nữa, tình hình kinh tế thế giới thể kỷ 21 có nhiều biến đổi, phức tạp hơn so với nhiều thập kỷ trước đây, khi IMF và WB được thành lập. Quy mô của nền kinh tế thế giới nói chung đã tăng gấp nhiều lần, cuộc cách mạng công nghệ đã tác động đáng kể đến lối sống và phong cách kinh doanh. Thế nhưng phương thức điều hành của hai thể chế tài chính lớn này hầu như không có nhiều thay đổi. Thực tế này đã khiến cách thức hoạt động và quản lý của IMF và WB dần trở nên không còn phù hợp.
Thêm vào đó, biểu đồ kinh tế thế giới đã có sự đảo ngược mang tính bước ngoặt. Hiện nay, các nền kinh tế phát triển đã phải nhường ngôi “đầu tàu tăng trưởng” cho các nền kinh tế đang phát triển. Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) đang lên tiếng yêu cầu gia tăng tiếng nói của họ trong các thể chế quốc tế tương ứng với sức mạnh kinh tế lớn dần của họ.
Các bản sao mới
Gần đây, BRICS - gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, đã nhất trí lập Ngân hàng Phát triển mới (NDB) và Quỹ Dự trữ Khẩn cấp (CRA). Hai thể chế này được đánh giá là bản sao và đối trọng của WB và IMF.
Theo ý kiến của một số chuyên gia, sự ra đời của NDB và CRA là một thách thức đối với các tổ chức vận hành theo cơ chế Bretton Woods, bao gồm IMF và WB, cũng như các nước công nghiệp giàu có đang kiểm soát những thể chế này.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của NDB là bất đồng giữa Mỹ, phương Tây và các quốc gia Đông Á (nhất là Trung Quốc) trong việc cải tổ cấu trúc tài chính và tiền tệ thế giới. Khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á xảy ra vào năm 1997, IMF và WB đã đưa ra gói cải cách cho những quốc gia bị ảnh hưởng, tập trung vào cải cách luật lao động, tư nhân hóa và các thay đổi khác.
Tuy nhiên, các quốc gia Đông Á tỏ ra không hài lòng với chương trình đó, họ cho rằng dòng vốn lưu chuyển không ổn định là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng, chứ không phải các chính sách kinh tế. Do đó, các cuộc thảo luận về việc thành lập một “Quỹ tiền tệ châu Á” với những chính sách phù hợp hơn với khung chính sách của các nước trong lục địa đã diễn ra, nhưng ý tưởng này bị Mỹ và các quốc gia công nghiệp phương Tây bác bỏ.
Tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ sáu của BRICS ở Brazil tháng 7/2014, NDB đã được thành lập, nhằm cung cấp sự hỗ trợ về tài chính và tín dụng cho các nền kinh tế đang phát triển. Không chỉ các thành viên BRICS mà các nền kinh tế mới nổi khác cũng có thể tham gia tổ chức này. Cơ chế chung thứ hai của BRICS, CRA cũng mở rộng cửa cho các thành viên mới. Quỹ dự trữ có mục đích hỗ trợ cho các nền kinh tế trong trường hợp xảy ra cuộc khủng hoảng toàn cầu. Động thái này là bước đi đầu tiên của BRICS hướng tới việc tái định hình hệ thống tài chính toàn cầu, vốn do phương Tây chi phối.
Mỗi nước thành viên BRICS đều đồng ý đóng góp 10 tỷ USD cho NDB. Theo thời gian, tổng số vốn của ngân hàng này sẽ đạt khoảng 100 tỷ USD. Trung Quốc sẽ đầu tư 41 tỷ USD vào quỹ dự trữ ngoại tệ, còn Nga, Brazil và Ấn Độ sẽ đóng góp 18 tỷ USD mỗi nước, và Nam Phi là 5 tỷ USD. Như vậy, Ngân hàng BRICS sẽ trở thành một trong những tổ chức tài chính phát triển đa phương lớn trên thế giới. Quỹ dự trữ ngoại tệ cộng với nguồn lực tài chính hùng mạnh lên đến 200 tỷ USD sẽ đặt nền móng cho sự phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô của các nước BRICS.
Áp lực cần “thay máu”
Đứng trước những chỉ trích ngày càng lớn về vai trò mờ nhạt trong thời gian qua cũng như việc xuất hiện những bản sao làm đối trọng, IMF và WB dường như không còn một lựa chọn nào khác là thay đổi. Các chuyên gia nhấn mạnh cuộc khủng hoảng gần đây buộc hai định chế tài chính lớn nhất thế giới này phải đẩy nhanh quá trình cải tổ để theo kịp với những thay đổi trên bản đồ kinh tế thế giới. Tuy nhiên, những cải cách tại hai thể chế tài chính này vẫn chỉ mang tính hình thức.
Theo giới chuyên gia, để công cuộc cải tổ của WB và IMF đi vào thực chất, hai tổ chức này cần tập trung nâng cao hiệu quả quản trị toàn cầu, theo đó IMF cần làm đúng chức năng là cơ quan giám sát, cảnh báo và ổn định hệ thống tài chính, còn WB có thể ra quyết sách cho vay phát triển hiệu quả hơn. Thêm vào đó, các nước thành viên cũng cần tăng cường tiềm lực tài chính cho hai tổ chức này, để có đủ nguồn quỹ cho bộ máy hoạt động, cũng như cấp các khoản vay phát triển và hỗ trợ các nước thành viên gặp khó khăn về tài chính.
Ngoài ra, IMF và WB cũng cần nâng cao tính dân chủ, minh bạch trong hoạt động và tính đến lợi ích của cả nước giàu lẫn nước nghèo, cũng như lắng nghe tiếng nói của các nước đang phát triển.
Mặc dù hầu hết các quốc gia đều thừa nhận là đã đến lúc IMF và WB cần tiến hành cải tổ, song vấn đề quan trọng là các quốc gia cần biết lắng nghe, nhân nhượng lẫn nhau và cùng tính đến lợi ích của tất cả các bên, để đẩy nhanh quá trình cải cách của hai tổ chức nói trên.
Hồi tháng 5/2014, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew hối thúc Quốc hội nước này nhanh chóng phê chuẩn kế hoạch cấp bốn năm. Chương trình cải tổ này nếu được thông qua sẽ giúp hiện đại hóa cơ cấu hoạt động và tăng cường nguồn lực tài chính cho IMF.
Vào cuối tháng 10/2014, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim thông báo sẽ cắt giảm 250 nhân viên. Đây là đợt giảm nhân viên đầu tiên trong kế hoạch cải tổ toàn diện của Chủ tịch Jim Yong Kim, với kỳ vọng sẽ đưa tổ chức chống đói nghèo này hoạt động hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, WB đặt mục tiêu cắt giảm ngân sách 400 triệu USD vào giữa năm 2017 để có thể gia tăng tài chính cho các dự án phát triển. WB hy vọng kế hoạch này có thể giúp gia tăng các khoản cho vay dành cho các nước thu nhập trung bình thêm 100 tỷ USD trong thập niên tới. Hiện WB có 10.000 nhân viên làm việc tại 188 quốc gia trên thế giới./.