Indonesia điều hàng trăm tàu cá đến vùng biển Natuna

Bộ trưởng Mahfud cho biết các tàu cá này cũng sẽ giúp bảo vệ vùng biển Natuna khỏi sự xâm lấn của các tàu nước ngoài, đồng thời trấn an và cam kết bảo vệ các ngư dân hoạt động tại vùng biển này.
Chính phủ Indonesia sẽ điều khoảng 120 tàu cá từ đảo Java tới hoạt động ở các vùng biển xung quanh Quần đảo Natuna. (Nguồn: en.tempo.co)

Bộ trưởng Điều phối Chính trị, Pháp lý và An ninh Indonesia Mohammad Mahfud MD ngày 6/1 cho biết Chính phủ nước này sẽ điều khoảng 120 tàu cá từ đảo Java tới hoạt động ở các vùng biển xung quanh Quần đảo Natuna thuộc tỉnh Quần đảo Riau.

Báo Kompas dẫn lời Bộ trưởng Mahfud khẳng định: "Chúng tôi muốn huy động ngư dân từ vùng Pantura ở phía Bắc đảo Java và có thể từ các khu vực khác nhằm khai thác tài nguyên biển tại Natuna.”

Bộ trưởng Mahfud cho biết các tàu cá này cũng sẽ giúp bảo vệ vùng biển Natuna khỏi sự xâm lấn của các tàu nước ngoài, đồng thời trấn an và cam kết bảo vệ các ngư dân hoạt động tại vùng biển này.

[Tổng thống Indonesia: 'Chủ quyền quốc gia là điều không thể mặc cả']

Cùng ngày, hãng thông tấn chính thức Antara cho biết Liên minh ngư dân Indonesia (ANNI) tuyên bố sẵn sàng huy động hàng trăm tàu cá đến Natuna.

Trong một tuyên bố bằng văn bản, người đứng đầu ANNI, ông Riyono cho biết gần 500 tàu đánh cá đã sẵn sàng đánh bắt cá tại Natuna, đồng thời làm “tai mắt” cho các lực lượng chức năng nhằm bảo vệ biên giới lãnh thổ quốc gia.

Cũng trong ngày 6/1, Tổng thống Indonesia Joko Widodo tuyên bố rằng chủ quyền của quốc gia này tại vùng biển Natuna là điều “không thể mặc cả.”

Trước đó, Chính phủ Indonesia cáo buộc Trung Quốc vi phạm EEZ của mình và tuyên bố sẽ “không bao giờ” công nhận đường 9 đoạn do Trung Quốc đơn phương vạch ra trên Biển Đông và không được luật pháp quốc tế công nhận, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Indonesia khẳng định rằng EEZ của nước này đã được xác định theo luật pháp quốc tế, cụ thể là UNCLOS, đồng thời nhấn mạnh rằng, là một bên ký kết UNCLOS, Trung Quốc có nghĩa vụ tôn trọng và thực thi văn bản này.

Ngày 30/12/2019, Ủy ban An ninh hàng hải (Bakamla) Indonesia cho biết ít nhất 63 tàu đánh cá và tàu hải cảnh của Trung Quốc xâm nhập trái phép vùng biển Natuna thuộc tỉnh Quần đảo Riau trong các ngày 19-24/12./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục